Hội thảo “ Tạo thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nữ nông dân”

Hội thảo “ Tạo thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nữ nông dân”

Nằm trong khuôn khổ dự án “ Cải thiện Đời sống và Nâng cao năng lực Lãnh đạo cho phụ nữ Việt Nam” _ Viêt Nam WILL, ngày 26 tháng 12 năm 2016, hội thảo “ Tạo thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nữ nông dân” đã được tổ chức tại khách sạn Quân Đội – 33C Phạm Ngũ Lão, Phan Chu Trinh, Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD), Trung tâm Phát Triển Tây Bắc, và tổ chức Kenan.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật từ các đơn vị chuyên môn cho phụ nữ sản xuất đúng quy trình và tăng cường sự cam kết giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Hội thảo đặc biệt có sự tham gia của các đại diện của Bộ Nông nghiệp và Sở Nông Nghiệp tỉnh Hòa Bình, đại diện doanh nghiệp Tâm Đạt và Sunshine Việt Nam, đại diện nữ nông dân sản xuất rau hữu cơ huyện Tân Lạc, đại diện người tiêu dùng hữu cơ và đại diện hiệp hội PGS Việt Nam.

Hội thảo là cơ hội để người sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng trao đổi, kết nối với nhau. Thông tin giữa các bên được trao đổi; từ đó hiểu được những băn khoăn cũng như khó khăn của các đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ.

Hội thảo cũng là cơ hội để tiếng nói của người nông dân sản xuất hữu cơ, các doanh nghiệp, và người tiêu dùng hữu cơ đến được với các ban ngành liên quan.

Chị Bời, đại diện cho người nông dân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ tại huyện Tân Lạc, đã nói lên tình hình sản xuất rau hữu cơ ở huyện Tân Lạc cũng như những khó khăn mà những người nông dân như chị đang gặp phải. Một trong những thách thức  của người nông dân đó là việc xin chứng nhận hữu cơ, chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm để họ có thể tiêu thụ các sản phẩm của mình dễ dàng hơn.

Đại diện cho doanh nghiệp Tâm Đạt, một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm sạch và hữu cơ, anh Tuấn đã nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch đang gặp phải. Các khó khăn điển hình đó là việc giá thành sản phẩm khá cao so với các sản phẩm thông thường, số lượng sản phẩm an toàn và hữu cơ của người sản xuất chưa ổn định do nông dân sản xuất chưa có kế hoạch cụ thể cho việc trồng và chăm sóc, chưa có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, và đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn/hữu cơ chưa có nhiều đối với các sản phẩm chưa có thương hiệu do người nông dân sản xuất.

Anh Dũng, một đại diện cho người tiêu dùng hữu cơ cũng nêu lên những băn khoăn của mình về nguồn sản phẩm an toàn và hữu cơ đáng tin cậy.

Trước những thông tin như vậy, ông Tưởng, đại diện bộ nông nghiệp Việt Nam, cũng đã cung cấp thông tin về bộ TCVN số 11041:2015 cho các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, theo ông, bộ tiêu chuẩn này vẫn chưa được biết đến và áp dụng rộng rãi. Đối với tiêu chuẩn PGS đã được áp dụng trong thực tế và biết đến nhiều hiện nay, ông cho hay tuy chưa được nhà nước công nhận nhưng nó là một loại chứng chỉ tự nguyện và nếu các sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn này tuân thủ ngưỡng cho phép đối với các chất thì các sản phẩm này vẫn sẽ được chấp nhận là thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, như vậy, người nông dân sản xuất hữu cơ và ngay cả các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang vấp phải một khó khăn lớn đó là họ phải làm các thủ tục để xin thêm một loại giấy chứng nhận đã được công nhận khác (ví dụ chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm) sau khi đã phải nghiêm ngặt tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ của PGS. Điều đó có nghĩa là, để được người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối, cả người nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm an toàn và hữu cơ buộc phải mất thêm thời gian và chi phí cho việc xin giấy phép.

Cũng trong buổi hội thảo, các biện pháp cho nông nghiệp hữu cơ được đưa ra thảo luận giữa các bên VCCI (phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam), công ty Sunshine Việt Nam, PGS Việt Nam, sở Nông Nghiệp Hòa Bình và Phòng quản lý chất lượng-Bộ Nông Nghiệp. Thông qua thảo luận, các biện pháp về chuỗi cung ứng sản phẩm được các bên đưa ra. Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng có định hướng để giải quyết những khó khăn trước mắt của chính mình.

Cũng trong buổi hội thảo, các biện pháp cho nông nghiệp hữu cơ được đưa ra thảo luận giữa các bên VCCI (phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam), công ty Sunshine Việt Nam, PGS Việt Nam, sở Nông Nghiệp Hòa Bình và Phòng quản lý chất lượng-Bộ Nông Nghiệp. Thông qua thảo luận, các biện pháp về chuỗi cung ứng sản phẩm được các bên đưa ra. Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng có định hướng để giải quyết những khó khăn trước mắt của chính mình.

Thực hiện: Lan Anh