Chia sẻ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Con Cuông, Nghệ An

Chia sẻ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Con Cuông, Nghệ An

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát” do Ban quản lý vườn quốc gia Pù Mát (xã Con Cuông, tỉnh Nghệ Anh) chủ trì và được tài trợ bởi tổ chức UNESCO Việt Nam.

Vườn Quốc Gia (VQG) Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An – một trong 6 Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Ở đây có hệ sinh vật phong phú với gần 2500 loài thực vật thuộc 100 họ và gần 1000 loài động vật, có nhiều loài quý hiếm cần được bảo tồn. Với cảnh quan đẹp và hoang sơ, cùng những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thái sinh sống trong khu vực, vườn quốc gia Pù Mát có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

Khóa tập huấn được thiết kế và thực hiện bởi chị Phạm Thị Duyên Anh, chuyên gia tư vấn từ tổ chức SNV (là tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới). Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho các cán bộ dự án và người dân tại vườn Quốc gia Pù Mát những hiểu biết chung nhất về các khái niệm như Du lịch bền vững, Du lịch sinh thái và Du lịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ họ lập kế hoạch phát triển ngành du lịch nơi đây.

Thành phần tham gia khóa tập huấn gồm 30 người là những cán bộ nòng cốt của VQG và những người đứng đầu các nhóm tham gia du lịch tại các thôn, xã . Qua khóa tập huấn, từ những người dân chưa biết gì về du lịch và dịch vụ du lịch, cán bộ nòng cốt đã nắm được các hiểu biết cơ bản về du lịch và tự thiết kế được tour, lựa chọn được các nhà nghỉ, phương pháp đón tiếp khách, nhận đặt ăn, hướng dẫn du lịch, thiết kế sản phẩm lưu niệm…

Các cán bộ CECAD đã học hỏi và lĩnh hội được những kiến thức về du lịch dựa vào cộng đồng cũng như phương pháp hỗ trợ Cộng đồng thôn bản phát triển du lịch cộng đồng một cách hệ thống. Ngoài ra, trong thời gian tham gia tập huấn, các cán bộ cũng đã đóng góp một số ý kiến cho nhóm nòng cốt như:

–         Thiết kế tour cần đa dạng hoạt động, không nên để thời gian của khách du lịch bị trống.

–         Khi nấu ăn cho khách du lịch nước ngoài không nên nấu những món ăn dễ bị rắt răng vì khách du lịch không có thói quen dùng tăm như người Việt.

–         Cần quảng bá sản phẩm du lịch lên các website quốc tế có cung cấp thông tin du lịch Việt Nam.

–         Trong các cuộc họp người dân và cán bộ nòng cốt cần mạnh dạn phát biểu ý kiến riêng trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung. Như vậy, mới giúp xây dựng được những kế hoạch tốt.

Từ những khóa tập huấn như thế này, CECAD hy vọng sẽ học hỏi thêm được những kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ các vùng, các miền khác, đồng thời rút ra những bài học để về áp dụng phát triển du lịch tại xã Tử Nê.