Hiệu quả kinh tế và Tác động Môi trường sau 1 năm hoạt động nhóm nấm xã Thanh Hối

Hiệu quả kinh tế và Tác động Môi trường sau 1 năm hoạt động nhóm nấm xã Thanh Hối

Đúng 1 năm sau Khóa tập huấn chuyển giao công nghệ và thực hành trồng vụ nấm Sò từ rơm, ngày 15 tháng 11 năm 2011, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) đã có bản đánh giá nhanh về Hiệu quả và tác động môi trường của chương trình trồng nấm tại xóm Nhót xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Trước khi Hoạt động hỗ trợ trồng nấm được thực hiện, lượng rơm thu được sau thu hoạch của xóm Nhót, xã Thanh Hối đều được người dân xử lý bằng phương pháp đốt thủ công. Việc này gây ô nhiễm không khí nặng sau mùa gặt, ngoài ra địa điểm đốt thường là mặt ruộng hoặc lề đường nên đã gây chai lỳ đất chết vi sinh vật và sinh vật đất hoặc làm hỏng đường giao thông.

Công nghệ trồng nấm Sò từ Rơm được chuyển giao từ Trung tâm Nấm Hương Nam được người dân tiếp thu dễ dàng và sau một năm đã làm chủ được kỹ thuật này.

Về Hiệu quả kinh tế

Trong năm 2011 người dân đã trồng 3 vụ nấm với quy mô

–          Vụ 1 : trồng 9 tạ rơm thu 45.360.000 đồng

–          Vụ 2 : trồng 4 tạ rơm thu 20.160.000 đồng

–          Vụ 3 : trồng 10 tạ rơm thu 50.400.000 đồng

Tổng thu : 115.920.000 đ

Phần chi :

–          Dựng 10 lán : 3.200.000 đồng

–          Mua nguyên vật liệu : 2.515.000 đồng

Tổng chi : 5.715.000 đ

Lợi nhuận chưa tính công : 110.205.000 đồng

Bằng chữ : Một trăm mười triệu hai trăm linh năm nghìn đồng chẵn

Về Tác động môi trường

Trong năm 2011, Nhóm nấm xóm Nhót đã xử lý 92 mét khối rơm khô và chuyển hóa thành sản phẩm nấm bán được, phụ phẩm sau trồng nấm tiếp tục được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Người dân trong xóm Nhót nhận thấy lợi ích của việc tái sử dụng rơm và phế phẩm nông nghiệp khác vừa tạo ra thu nhập vừa giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Kết luận 

Người dân có thể dễ dàng làm chủ công nghệ trồng nấm Sò từ rơm. Công nghệ này giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ, tạo thu nhập khá cao đồng thời giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, đất.

Sự thành công của Nhóm Nấm xóm Nhót đã tạo ra nhận thức mới cho người dân về việc tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp và đang tạo ra sức hấp dẫn lớn với các hộ gia đình khác tại địa phương.

Nhận thấy được nhu cầu lớn của người dân trong việc tiếp nhận Công nghệ này, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng đã lên kế hoạch hỗ trợ người dân xóm Bục, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thành lập Nhóm Nấm và tập huấn chuyển giao công nghệ trồng nấm sò từ rơm.

Trong tương lai không xa, mong muốn của Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực cộng đồng mong muốn toàn bộ số rơm rạ tại huyện Tân Lạc sẽ được sử dụng hết và người dân nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua thu nhập từ bán Nấm.

                      (Trọng Hiệp)

Dự án Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối do FPSC (tổ chức Hỗ trợ phát triển nguồn lực và văn hóa, Tây Ban Nha) tài trợ, được CECAD bắt đầu thực hiện từ năm 2008, nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đồng thời bảo tồn, giữ gìn những hiểu biết và bản sắc văn hóa dân tộc Mường và bảo vệ môi trường.

Sau 3 năm chuẩn bị và thực hiện, Du lịch Tử Nê đã được một số du khách biết đến và tới thăm quan. Tính đến nay, Tử Nê đã đón tiếp khoảng 40 đoàn với hơn 200 khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, và CECAD đang nỗ lực giúp người dân ở đây giải quyết những khó khăn trên.

Hiện tại cuốn quảng bá du lịch (brochure) mới về Tử Nê đã được hoàn thành và in ấn. Kèm theo đó, poster, card visit và bản đồ chi tiết các địa điểm tại Tử Nê cũng đã được in ra, phục vụ tốt hơn cho việc quảng bá du lịch.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9/ 2011 đến tháng 2/2012, tại văn phòng CECAD, hai tình nguyện viên là Skylar Audesirk (quốc tịch Mỹ) và Phạm Diệu Linh (người Việt Nam) sẽ phối hợp với cán bộ trung tâm phụ trách việc quảng bá hình ảnh cho du lịch Tử Nê.

Nhiều hoạt động đã và đang được thực hiện như:

1, Hoàn thành thêm một cuốn brochure bổ sung với những thông tin chi tiết và cụ thể hơn về du lịch

2, Hướng dẫn tập huấn cho người dân Tử Nê cách làm dịch vụ du lịch như những điều cần lưu ý khi đón tiếp khách, cách hướng dẫn, chuẩn bị nhà nghỉ, cách biểu diễn văn nghệ và giao lưu với khách du lịch vv

3, Liên hệ với các công ty du lịch đến khảo sát, tạo mối quan hệ và hợp tác lâu dài để họ đưa khách lên Tử Nê

4, Quảng bá du lịch Tử Nê qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các website về du lịch.

Qua những hoạt động trên, tình hình du lịch đã có nhiều tiến bộ và có những kết quả khả quan. Người dân địa phương, sau khi được tập huấn, đã có cái nhìn tích cực hơn về việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Tử Nê. Họ có niềm tin vào sự thành công của dự án và đã có nhiều tiến bộ trong khi làm dịch vụ du lịch. Về phía các công ty du lịch, đã có một số công ty quan tâm đến Tử Nê. Điều này hứa hẹn cho sự phát triển của du lịch Tử Nê trong một tương lai không xa.

                                                                                                                        (Khánh Hòa)