Phát triển Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Phát triển Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

“Nói tới du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là nói tới các tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái do cộng đồng sở hữu và quản lý. Hơn nữa, du lịch sinh thái bao hàm ý một cộng đồng đang chăm lo đến tài nguyên thiên nhiên của mình để có thu nhập nhờ du lịch và đang sử dụng thu nhập đó để làm cho đời sống của cộng đồng mình được tốt lên. Nó thu hút công việc bảo tồn, công việc kinh doanh và sự phát triển cộng đồng.” (Theo Keith W.Sproule và Ary S.Suhandi (1998))

Trong những năm gần đây, hình thức du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Rất nhiều du khách đến những vùng đất khác không chỉ để thưởng thức cảnh đẹp mà còn muốn tìm hiểu kỹ hơn về đời sống, những phong tục tập quán của người dân tại vùng đất họ đến. Họ muốn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động hàng ngày của người dân địa phương để có cái nhìn khách quan hơn về những nền văn hóa khác, qua đó giúp bảo vệ những giá trị này. Với ưu thế về tự nhiên và nhân văn, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, vừa nhằm bổ sung thêm một loại hình du lịch mới, thu hút khách du lịch đến Việt Nam, vừa nhằm góp phần bảo tồn những nét giá trị tự nhiên, văn hóa và nâng cao đời sống cho người dân tại những vùng đất có du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho loại hình du lịch này, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch; cơ sở hạ tầng còn chưa được đầu tư đúng mức theo hướng đa dạng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách; nhiều nơi sản phẩm du lịch thiếu bản sắc văn hóa riêng, bị trùng lặp với những vùng khác nên tính hấp dẫn bị hạn chế; việc quảng bá hình ảnh du lịch vẫn chưa tạo được ấn tượng, chưa đủ sức thu hút khách đến tham quan, v.v.

Chương trình “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối” là một chương trình thuộc dự án “Cải thiện sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” do FPSC (Tổ chức hỗ trợ phát triển Nguồn lực và Văn hóa, Tây Ban Nha) tài trợ và CECAD là đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm thực hiện. Chương trình này cũng không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Tử Nê và Thanh Hối, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, thông qua việc bảo tồn, gìn giữ những hiểu biết và bản sắc văn hóa Mường, cũng như bảo vệ môi trường.

Được sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương hai xã Tử Nê và Thanh Hối, CECAD đã tiến hành những hoạt động chuẩn bị để phát triển du lịch như: hỗ trợ xây nhà văn hóa của dân tộc Mường; khôi phục các điệu múa, bài hát Mường bằng cách thành lập đội múa và dệt thổ cẩm; tổ chức nhóm đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Chiang Mai, Thái Lan, tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa; đào tạo người dân về cách tiếp đón khách du lịch và nấu món ăn Mường; in các tờ quảng cáo về văn hóa và du lịch ở Tử Nê và Thanh Hối.

Đến năm 2008, sau 3 năm làm công tác chuẩn bị, du lịch ở hai xã Tử Nê và Thanh Hối đã được đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan. Đến nay, tại hai xã trên đã thành lập được hai nhóm du lịch dựa vào cộng đồng gồm 44 thành viên, với một tổ dệt gồm 10 người, một tổ dịch vụ gồm 14 người làm các công việc nấu ăn, nhà nghỉ và hướng dẫn viên, và một đội văn nghệ gồm 20 người. Các tổ này đã được đưa vào hoạt động và đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ được giao. Thêm vào đó, CECAD cũng hỗ trợ xây dựng hai nhà sàn văn hóa Mường bằng gỗ tại Tử Nê và Thanh Hối, là nơi người dân có thể gặp gỡ, giao lưu, múa hát hay tổ chức các sự kiện quan trọng của xóm. Hai nhà văn hóa này cũng có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho những đoàn du lịch với số lượng khách lớn. Một phòng trưng bày các tác phẩm về văn hóa và môi trường đã được hoàn thiện bởi các em học sinh trường THCS Tử Nê dưới sự giúp đỡ của Trung tâm và hai vườn thuốc nam được trồng tại xóm Cú và trường THCS Thanh Hối cũng nằm trong chương trình du lịch cộng đồng.

Những hoạt động trên đang dần thu được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm này, đã có 115 khách du lịch quốc tế và 50 khách du lịch trong nước đến với Tử Nê và Thanh Hối. Khách du lịch sau khi đến đây đều giữ lại ấn tượng tốt đẹp về một miền đất tuy nghèo nhưng bình yên, hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa Mường.

Tuy nhiên, những chuẩn bị khá kỹ bước đầu vẫn chưa đủ để du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Tử Nê và Thanh Hối thực sự phát triển. Số lượng người biết đến địa danh này và khách du lịch đến đây còn chưa nhiều, nguyên nhân chính là do sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu đã làm giảm số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nói chung và đến Tử Nê nói riêng. Thêm vào đó, việc quảng cáo chưa thực sự có hiệu quả cũng là một nhân tố dẫn đến việc du lịch ở đây không thu hút được khách như dự kiến ban đầu. Chính vì thế nên người dân đia phương, những người có liên quan trực tiếp, đã không thực sự quan tâm, không dành nhiều tâm sức đến chương trình. Du lịch tại Tử Nê và Thanh Hối vẫn chưa thực sự đạt được những mục tiêu đã đề ra như trong dự án lớn là cải thiện sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.

Hiểu được những khó khăn và thách thức tồn tại, CECAD đã và đang có những hành động nỗ lực để cải thiện tình hình du lịch hiện nay tại hai xã trên.

Trước tiên, CECAD đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch tại đây. Hiện tại ở cả 2 xã có bác Bùi Văn Ành là người am hiểu về truyền thống, lịch sử Mường nhưng lại không biết tiếng Anh, người dân ở đây cũng vậy. Việc này sẽ gây khó khăn cho những khách đi du lịch bụi, không có hướng dẫn đi cùng. Do đó, CECAD đang tuyển thêm cộng tác viên người bản địa biết nói tiếng Anh, hoặc đào tạo người dân học thêm ngoại ngữ, trợ giúp cho việc hướng dẫn khách và đặc biệt tuyển những người trẻ sẽ là lực lượng nòng cốt để thay thế cho bác Ành sau này.

Thêm vào đó, do nhu cầu nhà nghỉ cho khách du lịch cũng như mong muốn có một địa điểm cho bà con hội họp, trao đổi và giải trí, CECAD hỗ trợ xây dựng thêm 1 nhà văn hóa ở xóm Tam, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Mường. Công trình này đang trong giai đoạn thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/ 2011. Nhà văn hóa xóm Tam sẽ là một địa điểm nữa được đưa vào chương trình du lịch của Tử Nê và Thanh Hối.

Hiện tại CECAD đang tiến hành tìm vị trí mở một cửa hàng lưu niệm tại xã Tử Nê nhằm phục vụ cho khách du lịch có nhu cầu xem và mua các đồ thổ cẩm của người Mường như chăn, váy, áo, v.v.

Ngoài ra Trung tâm cũng đang trong giai đoạn thực hiện một cuốn quảng cáo du lịch (brochure) mới cung cấp cho khách nhiều thông tin về du lịch hơn cuốn cũ. Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/ 2011, Alice Elizabeth Lowe (quốc tịch Anh), đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế đồ họạ, tình nguyện viên tại CECAD sẽ hỗ trợ dự án hoàn thành cuốn brochure du lịch này. Việc thiết kế đang trong giai đoạn kiểm tra độ chính xác và sẽ được hoàn thiện vào khoảng cuối tháng 7/2011, sau đó sẽ được in rồi gửi tới các đối tác là các công ty du lịch.

Hy vọng rằng, trong tương lai, sau khi các hoạt động trên đã được hoàn thiện, tình hình du lịch tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối sẽ được cải thiện, hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với hai xã hơn, để từ đó góp phần vào việc nâng cao sinh kế cho người dân, bảo tồn nền văn hóa Mường giàu truyền thống và lâu đời; đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu chung của dự án lớn.