Nhóm thú y

Nhóm thú y

Sau khi các nhóm chăn nuôi thành lập, vốn chăn nuôi đã  được đưa đến tận tay người dân, nhưng hầu hết họ lại không có nhiều kiến thức và kỹ  năng chăn nuôi, đặc biệt là cách phát hiện và  chữa trị các loại bệnh cho gia súc, gia cầm của mình. Chính vì vậy, khi sự cố xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh, người dân phải đi xa nhờ những người có tay nghề về chữa trị nên mất thời gian, tiền bạc, thậm chí có trường hợp gia súc bị chết do không được chữa trị kịp thời. Do đó, yêu cầu bức thiết được đặt ra đó là thành lập nhóm thú y tại xã Tử Nê.

Vào cuối năm 2006, nhóm Thú y xã Tử Nê đã  được thành lập với 15 thành viên, trong đó đặc biệt có 1 thành viên là nữ là cô  Bùi Thị Chính, xóm Bin xã Tử Nê. Các thành viên là những thú y viên của các xóm và những người chưa qua đào tạo về công tác thú y nhưng có sở thích và mong muốn học hỏi thêm về nghề này. 

Do đặc thù của nhóm thú y là cần nhiều kiến thức, kỹ năng hơn so với các nhóm khác, do vậy sau khi thành lập nhóm, công tác tập huấn được ưu tiên hàng đầu. Anh Phan Bá Sinh, thành viên của tổ thú y cộng đồng xã Tuy Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ-một người có kinh nghiệm nhiều năm về công tác thú y được mời đến tập huấn. Tại đây, các thành viên được chỉ dẫn về cách phát hiện, chữa trị cho các loại bệnh trên gia súc, gia cầm một cách hệ thống và tỉ mỉ. Những kinh nghiệm thực tiễn của những người tham gia cũng được chia sẻ, nhờ vậy những người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm có thêm kiến thức thực tế.

Để hỗ trợ cho việc hoạt động của nhóm có hiệu quả, nhóm được dự án hỗ trợ 1 tủ thuốc và những dụng cụ cần thiết như xi lanh, dao mổ, kéo và một số trang thiết bị khác. Tổng số vốn dự án hỗ trợ là 4.269.000 đồng. Đồng thời, nhóm cũng được dự án giới thiệu lấy thuốc tại đại lý gốc trên huyện Tân Lạc, do vậy thuốc mà nhóm thú y cung cấp cho bà con trong xã có giá thấp hơn thị trường.

Từ  khi thành lập đến nay, hoạt động của nhóm thú  y đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp  đỡ được bà con trong thôn xóm trong việc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Tỷ lệ gia súc, gia cầm bị chết giảm đi đáng kể, nhiều bệnh khó mà trước đây không chữa được như trâu bò khó đẻ, sót rau…thì nay các thành viên có thể chữa trị một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, công tác phòng bệnh cũng được các thành viên nhóm phổ biến cho người dân, giúp giảm tổn thất không đáng có. Và cái được lớn nhất của nhóm thú y đó lòng tin của bà con trong thôn xóm được nâng cao rõ rệt, họ tin tưởng vào tay nghề, uy tín của nhóm nên không phải đi xa nhờ người ngoài chữa bệnh cho gia súc, gia cầm của mình.

Bên cạnh những mặt tích cực mà nhóm thú y đã đạt được, hoạt động của nhóm cũng gặp phải nhiều khó khăn. Công việc cho các thành viên trong nhóm không phải lúc nào cũng có, nên thu nhập mỗi ngày làm việc của các thành viên nhóm dù khá cao, từ 30,000-50,000 đồng/ ngày công nhưng lại không ổn định. Thành viên nhóm thú y tại xóm Bin, xóm Các do tay nghề chưa cao nên chưa thật sự tạo được sự tin tưởng của bà con, do đó, mỗi khi gia súc, gia cầm bị bệnh, họ vẫn đi nhờ cán bộ thú y xóm Chùa và các xóm khác giúp đỡ. Những khó khăn này đã được nhóm thú y ghi nhận và có những biện pháp giúp đỡ thêm để các thành viên trong nhóm hoàn thành tốt công việc của mình.

Mô  hình nhóm thú y đã mang lại nhiều lợi ích tích cực cho người dân trên địa bàn xã Tử Nê. Chính vì vậy, mô hình này đang được tiếp tục mở rộng xuống địa bàn xã Thanh Hối. CECAD hi vọng, với sự thành lập và hoạt động hiệu quả của nhóm thú y, công tác chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình tại xã Tử Nê và Thanh Hối.