Hoạt động thu gom rác thải tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Hoạt động thu gom rác thải tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Bảo vệ môi trường là một trong ba mục tiêu chính mà dự án ICCO đang hướng tới tại xã Tử Nê. Vào những năm 2003 đến 2005, một vấn đề môi trường gây bức xúc ở đây đó là lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, đặc biệt là dọc theo đường 12C và khu vực chợ Chùa trong khi đó tại địa phương lại chưa có bất kì hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải nào do vậy hầu hết các hộ đều đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cảnh quan của địa phương

Bảo vệ môi trường là một trong ba mục tiêu chính mà dự án ICCO đang hướng tới tại xã Tử Nê. Vào những năm 2003 đến 2005, một vấn đề môi trường gây bức xúc ở đây đó là lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, đặc biệt là dọc theo đường 12C và khu vực chợ Chùa trong khi đó tại địa phương lại chưa có bất kì hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải nào do vậy hầu hết các hộ đều đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cảnh quan của địa phương. Xuất phát từ thực trạng đó, UBND xã Tử Nê xác định ưu tiên cho hoạt động thu gom rác thải và cải tạo cảnh quan lối xóm nên đã gửi 2 đề xuất Sáng kiến cộng đồng là: “Thành lập nhóm thu gom rác tại xóm 2 và xóm 3” và “Cải tạo môi trường cảnh quan xã Tử Nê” tới Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng. Hai sáng kiến này đưa ra hai hoạt động chính đó là: thành lập nhóm thu gom rác thải dựa vào cộng đồng và xây dựng bãi rác xã Tử Nê. Mục tiêu hướng tới của các hoạt động này nhằm giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực chợ Chùa và 3 xóm phố đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ cảnh quan và môi trường.

Để tiến hành hoạt động, Tổ phát triển cộng đồng xóm Hai và xóm Ba cùng họp và thành lập một tổ thu gom rác gồm 2 thành viên. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ 2 xe chở rác, các trang thiết bị như: quần áo, ủng, cuốc, xẻng. Tổ thu gom rác này tiến hành thu gom rác theo quy chế là: 2 ngày một lần vào buổi chiều và người đi thu gom rác được hưởng lợi từ phí thu gom rác do các hộ gia đình trong xã đóng góp (phí thu gom rác hiện nay là 15.000 đồng/tháng). Bãi rác xã Tử Nê được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2007. Theo như kế hoạch của dự án, rác được phân loại thành rác vô cơ và rác hữu cơ: rác vô cơ được thu gom rồi đốt, rác hữu cơ được chôn lấp vào các hố đào sẵn, đến khi đầy thì trồng cây phủ lên vừa không gây mất vệ sinh vừa tạo cảnh quan cho khu vực xung quanh bãi rác. Bãi rác được xây với tường bao và cổng kín để ngăn chặn trâu, bò, gà và gia súc vào trong bãi rác nhằm giảm thiểu sự lây lan các dịch bệnh.

Bãi rác và tổ thu gom rác được thành lập và  đi vào hoạt động đã mang lại ý nghĩa to lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường tại xã  Tử Nê nói riêng và huyện Tân Lạc nói chung. Lợi ích thực tiễn có thể nhìn thấy ngay đó là một lượng lớn rác thải đã được thu gom và xử lí giúp cho cảnh quan, môi trường dọc theo tỉnh lộ 12 C (là bộ mặt của xã) trở nên trong sạch, điều này rất tốt cho sức khỏe bà con. Hơn nữa, có thể tạo thêm việc làm, tăng thêm 1 phần thu nhập cho những người trong tổ thu gom rác.

Trên thực tế, sau một thời gian đi vào hoạt động đã có một số vấn đề phát sinh: đến nay vẫn còn một số hộ không tham gia đóng góp chi phí cho tổ thu gom rác và họ lấy lí do là có thể tự đem rác đi đổ nhưng thực tế cho thấy họ đã vất rác bừa bãi, không đổ vào đúng các hố chôn lấp trong bãi rác. Ngoài ra, một bên cánh cổng của bãi rác đã bị hỏng nhưng chưa được sửa nên rác đã tràn ra cả bên ngoài. Lượng rác được thu gom và đổ đúng nơi quy đinh chỉ chiếm khoảng 30 – 40 % lượng rác của xã. Rác ở ngoài đường và ở ruộng không được thu gom thường xuyên. Hầu hết các loại rác từ các hộ gia đình, trên đường đi và ruộng mới chỉ thu gom tập trung, vận chuyển đến bãi rác, chưa được phân loại để xử lí. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bất cập đó là do nhận thức của người dân về môi trường còn thấp, họ chưa thấy rõ được tác hại của việc đổ rác bừa bãi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa thật sự quan tâm sát sao đến vấn đề môi trường trong các làng, xóm do vậy chưa có sự tham gia của toàn thể cộng đồng trong cuộc chiến chống lại “giặc” rác.

Tóm lại, để hoạt động của tổ thu gom rác và  việc sử dụng bãi rác đạt hiệu quả một cách bền vững thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa: Ban quản lí dự án, Chính quyền địa phương và Nhóm thu gom rác trong việc phân công trách nhiệm, vận hành và quản lí. Đồng thời cần phải có thêm các chiến dịch và các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của người dân về vấn đề môi trường