Chương trình du lịch sinh thái và bảo tồn bản sắc văn hóa

Chương trình du lịch sinh thái và bảo tồn bản sắc văn hóa

Dân tộc Mường chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nhưng lại chưa phát huy hết tiềm năng. Đời sống người dân còn nghèo và nhiều nét văn hóa truyền thống đang dần mai một dưới áp lực phát triển kinh tế- xã hội. Trước thực trạng đó, một cách tiếp cận mới- du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình và đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng nơi đâyDu lịch cộng đồng là hình thức du lịch dựa trên những giá trị về văn hóa và điều kiện tự nhiên của địa phương. Hình thức du lịch này yêu cầu sự chủ động của người dân trong các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường và họ cũng là đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch. Với khách du lịch, loại hình du lịch này có sức hấp dẫn lớn vì nó tạo ra sự trải nghiệm thực sự trong môi trường sống và cảm nhận được những giá trị phi vật chất cần được giữ gìn của người Mường. Nhóm du lịch cộng đồng xã Tử Nê được thành lập tại xóm Cú, với 50 thành viên được chia vào các tổ, bao gồm: tổ nấu ăn, tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn viên du lịch, tổ thổ cẩm và tổ nhà nghỉ. Để hỗ trợ du lịch, CECAD đã xây dựng nhà văn hóa theo đúng kiến trúc nhà sàn truyền thống Mường trên diện tích 500 m2 tại xóm Cú. Đây là địa điểm biểu diễn múa hát, đánh cồng chiêng của tổ văn nghệ mỗi khi du khách tới thăm, đồng thời, nhà văn hóa cũng là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của người dân, từ những cuộc họp xóm, giao lưu hay đơn giản là những buổi trò chuyện sau một ngày làm việc vất vả. Hiện tại, một tủ sách với hơn 200 đầu sách đủ thể loại cũng được trang bị để phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa của bà con nơi đây, đặc biệt là các em học sinh. Hiện nay, nhóm du lịch tại xã Tử Nê cung cấp một số dịch vụ như sau:

  • Nhà nghỉ: khách du lịch cùng sống tại nhà bà con người dân tộc Mường và cùng tham gia một số công việc như: làm vườn rau, chăn gà, nấu cơm… dưới sự hướng dẫn tận tình của chủ nhà.
  • Văn nghệ: các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Mường cũng sẽ được biểu diễn cùng các vị khách. Khách du lịch có thể tham gia các hoạt động giao lưu cùng bà con như nhảy sạp, học đánh cồng chiêng.
  • Ẩm thực: thưởng thức các món ăn truyền thống của người Mường với rau và thức ăn được lấy từ chính gia đình chủ nhà hoặc qua những chuyến đi tham quan lên rừng, hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn khách lấy các loại rau về chế biến cho bữa ăn. Cả gia đình và khách cùng ăn chung mâm và kể cho nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày của đôi bên.
  • Đồ lưu niệm: các sản phẩm lưu niệm ở đây được chính tổ dệt thổ cẩm là những chị em trong xóm khéo tay hay làm và dệt theo những mẫu hoa văn đặc sắc có từ xa xưa của người Mường.

Tính từ  tháng 6 năm 2008 đến nay, tại xã đã có 30 đoàn khách du lịch đến thăm trong đó có 48 khách nước ngoài và 21 khách Việt Nam. Tổng thu nhập của tổ dịch vụ như sau: văn nghệ là: 3.950.000đ;  hướng dẫn viên là: 850.000đ; nhà nghỉ: 1.875.000đ, tổ dệt thổ cẩm: 1.932.000đ. 

 Với nguồn tài trợ từ ICCO (Tổ chức vì sự Hợp tác Phát triển, Hà Lan) và FPSC (Tổ chức hỗ trợ phát triển Nguồn lực và Văn hóa,Tây Ban Nha), CECAD đã hỗ trợ: xây dựng nhà văn hóa,  công trình vệ sinh và thay mái fi-bro xi-măng bằng mái lá cho các hộ làm nhà nghỉ, đầu tư thêm bộ cồng chiêng cho tổ văn nghệ, hỗ trợ nguyên vật liệu và khung cửi cho hoạt động tổ dệt thổ cẩm và xúc tiến quảng bá địa điểm du lịch này tới các công ty du lịch trong và ngoài nước. Theo đánh giá chung, hoạt động du lịch từ khi diễn ra đến nay khá thuận lợi, ít gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất ở đây đó là dân tộc Mường trước đây sống rất khép kín, ít va chạm với thế giới bên ngoài nên còn rụt rè và chưa có kinh nghiệm trong việc giao tiếp với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Bên cạnh đó, xã còn thiếu người có khả năng thuyết trình về văn hóa Mường để giới thiệu và quảng bá cho du khách. Một giải pháp thích hợp cho hoạt động du lịch phát triển lâu dài tại đây đó là cần phải tăng cường hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến các điểm du lịch của xã, nối các điểm du lịch của xã với các điểm du lịch ở các địa bàn khác để kết nối thành một tour du lịch xuyên suốt. Đồng thời cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con trong xóm về các hoạt động du lịch. Và một điều cũng quan trọng không kém đó là đào tạo được một thuyết minh viên người Mường để giới thiệu với du khách các câu chuyện về văn hóa Mường cũng như việc thích nghi với cuộc sống mới của bà con dân tộc Mường.