Hoạt động của các nhóm Phụ nữ Tiết kiệm và Tín dụng tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Hoạt động của các nhóm Phụ nữ Tiết kiệm và Tín dụng tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Chương trình Phụ nữ Tiết kiệm và Tín dụng (PNTKTD) là một trong những hoạt động có tầm ảnh hưởng lớn và đạt được nhiều thành công của dự án ICCO tại xã Tử Nê. Đối tượng hướng tới của hoạt động này là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các hộ gia đình nghèo và còn gặp khó khăn về kinh tế. Chương trình được thực hiện với mục tiêu góp phần giúp đỡ các hộ nghèo trong xã phát triển sinh kế đồng thời nâng cao vị thế của người phụ nữ cả trong phạm vi gia đình và ngoài xã hội khi mà quan niệm trọng nam khinh nữ nơi đây vẫn còn tồn tại.

Chương trình được bắt đầu thực hiện từ năm 2005 và đến nay trên toàn xã Tử Nê đã có  7 nhóm Phụ nữ tiết kiệm và tín dụng được thành lập trên địa bàn 6 xóm đó là: xóm Bục, xóm Ba, xóm Chùa, xóm Bin, xóm Các, xóm Cú. Cách thức thực hiện chương trình là Trung tâm CECAD trợ giúp Chi hội phụ nữ các xóm vận động chị em tham gia thành lập Quỹ Phụ nữ tiết kiệm tín dụng, các chị em sẽ đóng góp vốn để xây dựng quỹ và được cán bộ Trung tâm trợ giúp công tác ghi chép sổ sách, tổ chức các hoạt động và quản lý nguồn vốn. Sau khi công tác tổ chức và vận hành quỹ đi vào ổn định thì trung tâm sẽ trợ giúp thêm các khoản đối ứng nếu nhu cầu vốn vay của các nhóm lớn hơn số tiền hiện có. Cách thức trả lãi do các nhóm tự quyết định thông qua họp nhóm xây dựng quy chế hoạt động, thường là 1% và việc phân chia lãi suất này được quy định như sau:

  • 0.5% dành cho người góp vốn (người góp tiết kiệm cũng có lãi từ số tiền mình đóng góp)
  • 0.3% cho Ban quản lý của nhóm và
  • 0.2% cho Ban phát triển cộng đồng xã Tử Nê.

Sau một thời gian hoạt động, tính đến ngày 31/05/09 trên toàn xã Tử Nê có 327 chị em phụ nữ đã tham gia vào nhóm PNTKTD và tổng số tiền tiết kiệm đóng góp được là 79.118.000 đồng cộng thêm số tiền đối ứng của nhà tài trợ là 35.400.000 đồng, các nhóm đã quản lý và hỗ trợ cho 502 lượt vay trên toàn xã, giúp các chị em thành viên có thêm vốn để chăn nuôi sản xuất nhằm cải thiện kinh tế của hộ gia đình. Tác động của nhóm đến các thành viên trong một thời gian qua được thể hiện trong số tiền TKĐM của các nhóm tăng đồng nghĩa với việc nguồn sở hữu của thành viên tăng. Như vậy các chị đã có một khoản tiết kiệm rất có ích mà nếu không có chương trình này thì các chị khó mà có được. Ngoài ra, thực tế cho thấy tuy số tiền vay được từ nhóm chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của các chị nhưng cũng đã giúp các chị cải thiện phần nào kinh tế của gia đình vì lãi suất cho vay của nhóm tương đối thấp. Ví dụ điển hình như các chị ở xóm Ba cho biết thu nhập của các chị tăng lên từ 10% đến 15%. Ở các nhóm còn lại, với các thành viên sử dụng nguồn vốn phù hợp thì thu nhập của các chị tăng lên từ 20% đến 30%.

 Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình hoạt động của các nhóm TKTD cũng đã gặp phải một số khó khăn đó là: thành viên vay vốn không sử dụng đúng mục đích, trì trệ trong việc trả lãi và gốc, số tiền đóng tiết kiệm định mức giảm theo thời gian. Hơn nữa vì nguồn vốn của các nhóm chưa cao nên mức vay của chị em bị hạn chế, thường không quá 1.500.000 đồng, riêng chỉ có xóm Ba đã từng duyệt cho thành viên vay 5.000.000 đồng. Ban quản lý các nhóm cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động của nhóm mình. Các nhóm hoạt động riêng rẽ nên không tạo thành phong trào chung, các thành viên ở các nhóm ít trao đổi thông tin về tình hình hoạt động, cách thức quản lý cũng như nguồn vốn của các nhóm khác.  

Cho đến nay, chương trình đã được Hội phụ nữ xã Tử Nê và Hội phụ nữ huyện Tân Lạc đánh giá cao về hiệu quả trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở địa phương, giúp các gia đình nhận thấy rõ ràng khả năng và vai trò của phụ nữ trong việc góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, với những con số cụ thể đầy thuyết phục về số thành viên tham gia, thời gian hình thành, duy trì và phát triển của các nhóm cũng như số tiền các nhóm đang quản lý cho thấy hiệu quả mang tính tích cực, ổn định và bền vững của Chương trình. Để khắc phục những khó khăn đang phải đối mặt, Ban quản lý dự án và Ban quản lý các nhóm đã nhìn nhận và đưa ra những định hướng lâu dài cho sự phát triển của các nhóm như: liên kết tất cả các nhóm thành một tổ chức tín dụng lớn hơn và có thể cho vay liên nhóm giúp giải quyết các vấn đề thiếu vốn và số vốn vay quá thấp.