Tập huấn Bảo tồn đa dạng sinh học trên đồng ruộng tại xã Mãn Đức và Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Tập huấn Bảo tồn đa dạng sinh học trên đồng ruộng tại xã Mãn Đức và Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Giai đoạn 1 của dự án “Người Mường và nông nghiệp bền vững” được thực hiện từ tháng 1/2012 đến tháng 5/2013 bao gồm các hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và môi trường cũng như tác động của thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) đến đa dạng sinh học trong nông nghiệp và sinh kế của cộng đồng người Mường xã Tử Nê và Thanh Hối. Với những kết quả khả quan đạt được từ giai đoạn 1, dự án sẽ tiếp tục mở rộng ra các xã khác trong huyện. Trong năm 2014, các cộng đồng người Mường tại 2 xã Mãn Đức và Đông Lai sẽ tham gia vào dự án.

Hoạt động đầu tiên của dự án là Khóa tập huấn cho người dân 2 xóm Đầm (Mãn Đức) và Xóm Bái Trang (Đông Lai) cùng các thầy cô giáo 2 trường Trung học cơ sở Mãn Đức và Đông Lai về Bảo tồn đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Trong khóa tập huấn, học viên được tiếp cận với những kiến thức về Đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Các thông tin được trình chiếu cùng với nhiều hình ảnh các loài gần gũi với đời sống khiến bà con vô cùng thích thú. Ngoài những kiến thức về lý thuyết, học viên lớp tập huấn được chia nhóm và tham gia vào các hoạt động thực hành như: vẽ bản đồ khu vực thực địa, thu thập các mẫu thực vật, động vật trong các môi trường khác nhau. Các nhóm đều thảo luận sôi nổi và học viên trình bày tự tin trước lớp học.

Sau khi thực hiện các bài thực hành, các nhóm được hướng dẫn cách lập Kế hoạch hành động Bảo tồn đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Các nhóm của hai xã đã thảo luận và chọn ra những loài họ muốn bảo tồn. Trong khi các nhóm của xã Mãn Đức lựa chọn các loại thực vật tỏi tía, mít, dổi; các loài động vật ếch, rắn, các loài cá; các loài côn trùng ong mật, nhện, kiến ba khoang thì các nhóm của xã Đông Lai lựa chọn các loài xạ đen, rau má, sắn dây, lợn Mường, lươn, cá rô đồng, dế mèn, ong đất và ong mật. Tuy nhiên, cuối cùng thì cả hai xã đều chọn loài bảo tồn là loài ếch với lý do ếch là loài có lợi ăn sâu hại lúa, là nguồn dinh dưỡng và mang lại giá trị kinh tế. 

Các nhóm đã cùng thảo luận và đưa ra kế hoạch hành động của riêng mình. Kế hoạch này sẽ được các nhóm nông dân tham gia vào khu vực bảo tồn thảo luận chi tiết và đưa vào thực hiện sau buổi tập huấn.

Trong khóa tập huấn, dự án cũng đã mời bác nông dân Bùi Văn Thịnh, một trong các thành viên xóm Bục xã Tử Nê tham gia vào giai đoạn 1 của dự án đến chia sẻ với các học viên mới. Theo bác Thịnh, sau khi tham gia tập huấn về IPM, được nghe về tác hại của thuốc BVTV, bà con biết rằng việc phun thuốc Bảo vệ thực vật trên đồng ruộng sẽ có hại cho những loài có lợi. Do vậy thay vì sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, bà con phải thăm đồng thường xuyên để nếu phát hiện sâu thì có thể diệt trừ ngay, nếu có cỏ dại thì nhổ sạch không cho trổ bông. Sau khi dự án kết thúc, bác Thịnh cũng đã nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt là bà con trong xóm tham gia vào dự án đã không còn sử dụng thuốc trừ cỏ và hạn chế lượng thuốc trừ sâu sử dụng. Bà con khi phải phun thuốc cũng phun đúng nồng độ chứ không pha nhiều loại thuốc và pha đặc như trước kia vì cho rằng nếu nồng độ đặc thì sẽ loại bỏ được sâu bệnh nhanh hơn. Sau thời gian bảo tồn, bác dù không có chuyên môn để đếm được số lượng ếch cụ thể nhưng có thể nhận thấy lượng ếch trong khu vực bảo tồn tăng lên vì nghe tiếng kêu của ếch tăng lên so với trước đây.

Những người tham gia tập huấn cũng đặt câu hỏi và trao đổi với bác Thịnh về cơ cấu các loại cây trồng trong vùng được bảo tồn của xã Tử Nê và những lý do tại sao nhóm Tử Nê lại chọn bảo tồn loài ếch.

Được gặp và nghe bác Bùi Văn Thịnh chia sẻ, các bác nông dân xã Đông Lai và Mãn Đức càng cảm thấy hào hứng trong việc thực hiện kế hoạch bảo tồn và chờ đợi khóa tập huấn tiếp theo về Ảnh hưởng của thuốc Bảo vệ thực vật đối với đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.

(Phạm Diệu Linh)