Định hướng thành lập Hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông thôn tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa

Định hướng thành lập Hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông thôn tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa

Sau 8 năm hoạt động tại 2 xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Môi trường và phát triển nguồn lực cộng đồng (CECAD) đã thực hiện nhiều dự án giúp người dân cải thiện sinh kế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Nhiều hộ gia đình tham gia vào dự án đã thoát khỏi đói nghèo nhờ phát triển nông nghiệp và có thêm thu nhập từ những nguồn thay thế như nuôi ong, trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu thông tin về giá cả thị trường và không có kĩ năng tiếp cận người tiêu dùng, người dân ở đây thường xuyên phải mua nguyên liệu đầu vào với giá cao và bán sản phẩm cho lái buôn với giá thấp hơn giá trị thực của sản phẩm. Nhận thấy người nông dân phải làm lụng vất vả nhưng không thu được nhiều lợi nhuận, các cán bộ dự án có ý tưởng giúp người dân hai xã Tử Nê, Thanh Hối thành lập một Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm tận dụng lợi thế sản xuất tập trung, giảm bớt khâu trung gian để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Ý tưởng này khi đề xuất được chính quyền huyện và xã hoàn toàn ủng hộ. Sau khoảng thời gian đi tìm hiểu thị trường và khảo sát các Hợp tác xã đã hoạt động thành công tại Hà Nội, các cán bộ dự án rút ra được kết luận rằng Hợp tác xã nông nghiệp tại Tử Nê và Thanh Hối cần phải phát triển theo hướng sản xuất sạch nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác hại đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Để giúp bà con hiểu hơn về HTX, các cán bộ dự án đã đến từng xóm của hai xã Tử Nê, Thanh Hối, giới thiệu về mô hình HTX, những lợi ích mà bà con sẽ nhận được cũng như những khó khăn bà con có thể gặp phải khi tham gia vào mô hình sản xuất này. Trong các buổi họp như vậy, bà con có thể đưa ra câu hỏi về bất cứ vấn đề gì còn băn khoăn về HTX và cán bộ dự án là những người giải đáp thắc mắc. Phần lớn người dân sau khi đã hiểu về lợi ích của mô hình HTX đều rất hào hứng tham gia. Qua khảo sát, trên 80% số lượng người tham gia các buổi họp có nguyện vọng tham gia vào HTX.

Vào ngày 14 tháng 9 năm 2012, những sáng lập viên đầu tiên của HTX đã có buổi họp tại UBND xã Thanh Hối. Trong cuộc họp, một Ban quản trị lâm thời của HTX đã được bầu. HTX đã bước đầu được đặt tên là “Hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông thôn Bình Minh”. Ban Quản trị lâm thời cùng với các sáng lập viên sẽ hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết để HTX được thành lập trong thời gian sớm nhất. Trung tâm môi trường và phát triển nguồn lực cộng đồng (CECAD) sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng trụ sở cho HTX; hỗ trợ thiết bị văn phòng ban đầu: máy tính, máy in, điện thoại và kết nối Internet cho HTX; hỗ trợ kinh phí bằng tiền mặt tương đương lương của Ban Quản trị HTX trong vòng 6 tháng; tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật cho xã viên HTX, tập huấn kĩ năng quản lý cho Ban quản trị HTX, đưa xã viên HTX đi tham quan mô hình HTX thành công và giúp HTX kết nối thị trường trên cơ sở sản xuất sản phẩm sạch, ít tác động xấu đến môi trường, người sản xuất và người sử dụng; giám sát, liên kết HTX với nhà cung cấp, nhà phân phối, bán hàng; kết nối Ban quản trị HTX với xã viên. Chính quyền hai xã Tử Nê và Thanh Hối hứa hỗ trợ đất xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất cho HTX. Hy vọng với sự giúp đỡ của dự án và sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, HTX sẽ được thành lập và phát triển thành công, góp phần nâng cao sinh kế cho bà con.

(Linh Phạm)