Cán bộ CECAD tham quan mô hình Hợp tác xã hoạt động thành công tại Hà Nội

Cán bộ CECAD tham quan mô hình Hợp tác xã hoạt động thành công tại Hà Nội

Giúp bà con dân tộc Mường tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức cộng đồng (CBO) trong quản lý và sử dụng tài nguyên tại xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” của Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD). Để có thể hình dung rõ hơn về bộ máy, cách thức hoạt động, sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của HTX, các cán bộ của CECAD đã  đi tham quan và tìm hiểu một số HTX đang hoạt động thành công trên địa bàn Hà Nội. Nếu tìm được một mô hình phù hợp với định hướng thành lập HTX tại xã Tử Nê và Thanh Hối,  cán bộ dự án CECAD sẽ tổ chức một chuyến đi tham quan cho bà con nhằm tìm hiểu cũng như giúp họ hình dung rõ hơn về việc xây dựng mô hình HTX của riêng mình tại quê nhà.

Ba HTX có uy tín trên địa bàn Hà Nội là HTX Đạo Đức, Vân Nội, Đông Anh, HTX Văn Đức, Gia Lâm và HTX nông nghiệp và dịch vụ Lĩnh Nam được các cán bộ dự án của CECAD lựa chọn đi khảo sát. Cả 3 HTX này có điểm chung là đều sản xuất rau an toàn – một lĩnh vực có triển vọng phát triển tại 2 xã địa bàn dự án – và hiện đang kinh doanh rất thành công mặt hàng này.

Đến với các cơ sở trên, các cán bộ dự án được các thành viên Ban quản trị HTX??? chia sẻ rất nhiều thông tin về HTX từ những ngày đầu mới được thành lập, cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, và sự hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất rau an toàn. Với đặc thù sản xuất mặt hàng nông sản là rau an toàn có chi phí hao hụt cao, nhanh thay đổi chất lượng, các thành viên Ban quản trị của các HTX nói trên cũng phải rất linh hoạt trong sản xuất và tiêu thụ để có thể cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất khác ở vùng ven Hà Nội. Các cán bộ dự án của CECAD cũng được đi tham quan ruộng trồng rau, nơi sơ chế và đóng gói sản phẩm và tìm hiểu về quá trình sản xuất và phân công lao động của HTX.

Bà con trên địa bàn dự án mong muốn tham gia vào HTX sẽ được đi tham quan các địa điểm nói trên để ”trăm nghe không bằng một thấy” một mô hình mà họ sẽ áp dụng tại địa phương. Ban quản trị của các HTX mà cán bộ dự án CECAD đã có dịp đến tham quan đều sẵn lòng giới thiệu với bà con dân tộc Mường  về mô hình sản xuất của mình và chia sẻ với bà con về cách thức hoạt động của HTX, những thuận lợi và những khó khăn của mô hình sản xuất này. Hy vọng với những kinh nghiệm học được từ chuyến đi tham quan sẽ giúp bà con hai xã Tử Nê và Thanh Hối xây dựng được một mô hình HTX phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá của mình. Một mô hình mà có thể giúp họ kết nối với thị trường rộng lớn hơn cho những sản phẩm của mình, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ.

(Linh Phạm)