Khóa tập huấn về “Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật”

Khóa tập huấn về “Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật”

Khóa tập huấn “Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật” (BVTV) là một hoạt động nằm trong dự án “Người Mường và nông nghiệp bền vững”, tiếp nối sau khóa tập huấn về “Đa dạng sinh học trong nông nghiệp” được tổ chức vào tháng 3 năm 2012.

Khóa tập huấn diễn ra trong vòng 3 ngày (từ 18 đến 20/5/2012) đã cung cấp cho bà con nông dân tham gia vào dự án, các giáo viên 2 trường THCS Thanh Hối và Tử Nê, và các cán bộ y tế của 2 xã Thanh Hối và Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình những kiến thức cơ bản nhất về thuốc BVTV và tác hại của thuốc BVTV đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Ngoài ra, khóa tập huấn cũng cung cấp cho bà con thông tin về một số biện pháp (IPM, SRI…)  nhằm giảm thiểu và dần dần loại bỏ thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp.

Trong khóa tập huấn, bà con được cung cấp nhiều kiến thức cũng như thông tin về thuốc BVTV và tác hại của thuốc BVTV thông qua các bài giảng của giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên và cán bộ Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD). Trong bài tập thực hành, bà con cùng làm việc nhóm để đánh giá thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu tại địa phương bao gồm phương thức, lượng thuốc trừ sâu sử dụng, cách bảo quản và xử lý thuốc BVTV sau sử dụng. Bà con cũng thu thập thông tin về các dấu hiệu và triệu chứng khi bị ngộ độc thuốc BVTV từ người trực tiếp sử dụng thuốc thông qua phỏng vấn lẫn nhau. Các kết quả bài tập được đại diện mỗi nhóm trình bày trước lớp. Nhiều chị em phụ nữ còn ngại ngùng trong khóa tập huấn về đa dạng sinh học nay đã tự tin trả lời câu hỏi và thuyết trình kết quả thu được khi tham gia khóa tập huấn thứ hai này.

Sau khi hiểu hơn về tác hại của thuốc trừ sâu đối với môi trường và sức khỏe con người, bà con rất mong muốn giảm lượng thuốc trừ sâu hiện đang sử dụng dù biết rằng việc làm này là không hề đơn giản. Bà con cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của dự án để thực hiện mục tiêu giảm dần và tiến đến loại trừ thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp.