Thành công bước đầu từ dự án trồng nấm tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Thành công bước đầu từ dự án trồng nấm tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Những năm gần đây, thị trường nông lâm sản bất ổn, sản phẩm làm ra càng nhiều thì giá cả càng thấp, mất mùa thì giá cao nhưng cũng không đủ sống. Cây Keo là cây mà mấy năm trước đã mang lại những thu nhập đáng kể cho người dân thì đã bắt đầu thể hiện những yếu điểm như: tình trạng dịch bệnh nhiều hơn, giá cả không còn cao như trước. Và quan trọng hơn cả là người dân đã nhận thấy trồng keo cần rất nhiều nước và vì vậy vô hình trung cây keo đã cạnh tranh với cây lúa. Người dân Thanh Hối – Tử Nê nói riêng và Tân Lạc nói chung đã ước mong có được phương thức sinh kế mới ổn định hơn và bền vững hơn. 

Từ bao đời nay người dân hai xã Tử Nê và Thanh Hối chăm chỉ lao động với những ngành nghề cổ truyền như chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… cấy lúa, trồng bông. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có nhiều loại cây mới được đưa về trồng tại địa phương như: mía, dưa hấu, bí xanh, sắn củ và gần đây là trồng các loại rau củ như: xà lách, bắp cải, xu hào. Về trồng rừng thì từ những năm 2000, người dân nhận thấy giá trị kinh tế cao của cây keo lai nên đã phá rừng phòng hộ nguyên sinh để trồng cây keo lai. Kết qủa là một diện tích lớn rừng phòng hộ nguyên sinh đã bị mất và đa dạng sinh học cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

Những năm gần đây, thị trường nông lâm sản bất ổn, sản phẩm làm ra càng nhiều thì giá cả càng thấp, mất mùa thì giá cao nhưng cũng không đủ sống. Cây Keo là cây mà mấy năm trước đã mang lại những thu nhập đáng kể cho người dân thì đã bắt đầu thể hiện những yếu điểm như: tình trạng dịch bệnh nhiều hơn, giá cả không còn cao như trước. Và quan trọng hơn cả là người dân đã nhận thấy trồng keo cần rất nhiều nước và vì vậy vô hình trung cây keo đã cạnh tranh với cây lúa. Người dân Thanh Hối – Tử Nê nói riêng và Tân Lạc nói chung đã ước mong có được phương thức sinh kế mới ổn định hơn và bền vững hơn.

Xuất phát từ nhu cầu người dân, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (sau đây viết tắt là CECAD) đã tìm hiểu bối cảnh địa phương và nguyện vọng của nhân dân và nhận thấy:

·         Người dân thường chỉ bận rộn vào ngày mùa khi cấy lúa và gặt lúa, thời gian còn lại thường không có việc làm.

·         Sau khi gặt xong, một khối lượng rơm lớn bị đốt và chỉ một phần nhỏ được các hộ có chăn nuôi bò giữ lại làm thức ăn phòng khi không có cỏ.

·         Người dân địa phương có thói quen ăn nấm từ xưa. Trước đây, người dân chỉ quen hái nấm trên rừng và hoặc mọc tự nhiên. Nay điều kiện môi trường thay đổi và rừng bị tàn phá nên đã lâu người dân không còn nấm để hái.

·         CECAD đã liên hệ với Trung tâm Nấm Hương Nam có trụ sở tại Ninh Bình. Lý do mà CECAD liên hệ với Trung tâm Nấm Hương Nam là vì Trung tâm áp dụng công nghệ trồng nấm từ rơm rạ, một công nghệ đơn giản và phù hợp với khả năng kinh tế của người dân cũng như điều kiện của địa phương.

Xuất phát từ những nhận định trên, CECAD đã cùng họp bàn và vận động người dân tìm hiểu về nghề nấm bằng cách: đưa người dân đi thăm quan Trung tâm Nấm Hương Nam và các mô hình trồng nấm tại Ninh Bình. Kết quả là người dân tin vào tương lai nghề nấm, sự chắc chắn trong việc giám sát, hỗ trợ của CECAD và khả năng tiếp thu công nghệ trồng nấm của mình, mặc dù đây là nghề mới và chưa từng có tại địa phương.

Khởi đầu cho hoạt động trồng nấm tại Thanh Hối và Tử Nê, CECAD đã tổ chức các cuộc họp cùng những người dân bao gồm đại diện của những hộ có chung mong muốn cải thiện kinh tế gia đình bằng nghề trồng nấm tại cả hai xã Tử Nê và Thanh Hối. Các cuộc họp đã đi đến quyết định: sẽ tập trung hỗ trợ xóm Nhót, xã Thanh Hối làm thí điểm vào năm thứ nhất trong khi đó các hộ khác sẽ quan sát, học hỏi và có thể sẽ tham gia từ năm thứ 2.

Tại xóm Nhót xã Thanh Hối, CECAD cùng dự họp với 15 thành viên tham gia nhóm từ ban đầu và tư vấn giúp các thành viên xây dựng quy chế Nhóm trồng Nấm xóm Nhót. Nội dung của quy chế nhằm nâng cao tình đoàn kết các hộ trong nhóm, các hộ cùng giúp nhau học tập, thực hành trồng nấm, chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm và sau này là chủ động gia nhập thị trường nấm không những ở huyện Tân Lạc mà có thể mở rộng ra Hà Nội. Cuộc họp công khai, dân chủ và chương trình đem lại lợi ích thiết thực nên sau đó đã có thêm 5 hộ tham gia, nâng số thành viên nhóm lên 20 người. Do đa số các hộ thành viên còn có khó khăn về kinh tế nên nhóm đã được CECAD cho vay tiền để mua sắm vật liệu như: giống nấm, túi ni lông, bạt làm lán trại, bình phun sương (để tưới nấm). Các hộ cam kết sau khi thu hồi được vốn từ trồng nấm sẽ luân chuyển cho các hộ khác trong nhóm vay để cả tất cả các thành viên trong nhóm đều có cơ hội sử dụng nguồn vốn từ dự án.

 Vụ nấm đầu tiên, do Bà con chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thu gom, phơi rơm và sử lý ban đầu nên nhóm chỉ đủ rơm cho 10 hộ làm trong vụ đầu tiên. Và sau ba tháng, với sự hợp tác, giám sát chặt chẽ giữa Người dân – Chuyên gia – CECAD, dự án đã đạt được những thành công bước đầu:

·         10 hộ trồng nấm đầu tiên đều đã có sản phẩm.

·         Mỗi hộ thu được trung bình 2 tạ nấm tươi.

·         Giá bán nấm trung bình đạt 25.000 đ/kg.

·         Nấm hái đến đâu được người dân tiêu thụ hết đến đó.

 Từ bước đầu thành công đó, bà con nông dân toàn xã Thanh Hối đã nhận ra lợi ích thiết thực từ việc trồng nấm. Và rất nhiều hộ gia đình có nguyện vọng và đã đề xuất với CECAD tiếp tục hỗ trợ phát triển nghề nấm tại địa phương. Tại xã Tử Nê, nhiều hộ gia đình cũng đã đề xuất CECAD hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm với quy mô lớn hơn (trang trại sản xuất nấm) để giúp bà con không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn tiến lên làm giàu bằng nghề nấm. CECAD đã có kế hoạch phát triển nghề nấm tại Tử Nê sau vụ lúa Chiêm (Đông Xuân) năm 2011.

Theo nhận định của các hộ trồng nấm và cán bộ hiên trường của CECAD tại địa phương nếu bà con tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối phát huy hết nguồn lực để trồng nấm thì thị trường tại địa phương sẽ không đủ để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra. Do vậy CECAD hiện đã liên hệ với nhiều công ty, tổ chức tại Hà Nội với mong muốn tạo ra kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định với số lượng đủ lớn nhằm giúp bà con tiêu thụ hết sản phẩm nấm tại đây.

Nếu thành công thì đây sẽ là một hướng đi mới về phát triển kinh tế hộ cho bà con nông dân tại hai xã Tử Nê và Thanh hối, nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo trong khi vẫn bảo vệ được môi trường.