Hai tháng thực hiện dự án “Người dân tộc Mường và nông nghiệp bền vững tại vùng Tây Bắc Việt Nam”

Hai tháng thực hiện dự án “Người dân tộc Mường và nông nghiệp bền vững tại vùng Tây Bắc Việt Nam”

Trong hai tháng đầu thực hiện dự án, từ tháng hai đến tháng ba năm 2012, có hai hoạt động chính đã được triển khai: Một là khóa đào tạo giảng viên cho giảng viên đại học và cán bộ của CECAD. Hai là khóa đào tạo cho sinh viên, giáo viên hai trường Tử Nê và Thanh Hối, nông dân và cán bộ khuyến nông xã. 

Dự án “Người dân tộc Mường và nông nghiệp bền vững tại vùng Tây Bắc Việt Nam” được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức của người Mường tại xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình về tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong nông nghiệp đối với sinh kế của họ và tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, mục tiêu của dự án bao gồm nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và khai thác nguồn lợi từ đa dạng sinh học trong nông nghiệp, về áp dụng nông nghiệp sinh thái luân canh và về cách thức giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Mục đích cuối cùng của dự án là nhằm giúp bà con người Mường tại Tử Nê và Thanh Hối cải thiện sinh kế. Nếu thành công, dự án có thể sẽ trở thành một mô hình để các địa phương khác trên cả nước có thể học tập và áp dụng. Dự án được tài trợ bởi Liên minh đồng ruộng Thái Lan (Thai Field Alliance).

Trong hai tháng đầu thực hiện dự án, từ tháng hai đến tháng ba năm 2012, có hai hoạt động chính đã được triển khai. Một là khóa đào tạo giảng viên cho giảng viên đại học và cán bộ của CECAD. Hai là khóa đào tạo cho sinh viên, giáo viên hai trường Tử Nê và Thanh Hối, nông dân và cán bộ khuyến nông xã.

Sau khi bản đề án của dự án được chấp nhận bởi tổ chức Liên minh đồng ruộng Thái Lan, điều phối viên dự án, cán bộ dự án tại hiện trường và các giảng viên đại học đã họp lại và trao đổi về mục tiêu cũng như cách thức thực hiện các hoạt động của dự án. Từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 2 năm 2012, những cán bộ này đã tham gia một khóa đào tạo giảng viên về Đa dạng sinh học trong nông nghiệp (ABD) và Đánh giá tác động của thuốc trừ sâu (PIA) do Liên minh đồng ruộng Thái Lan thực hiện. Khóa đào tạo giảng viên này đã cung cấp những thông tin rất hữu ích cho các cán bộ dự án và sẽ góp phần vào việc triển khai thành công các hoạt động của dự án.

Ngay sau khi khóa đào tạo giảng viên về ABD và PIA kết thúc, các cán bộ dự án đã họp và chuẩn bị cho khóa tập huấn về Đa dạng sinh học trong nông nghiệp cho sinh viên đại học, nông dân, giáo viên và cán bộ khuyến nông tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối. Để các cán bộ dự án có thời gian gặp mặt và thuyết phục các bác nông dân tham gia dự án, khóa tập huấn được tổ chức vào tháng 3 năm 2012. Bên cạnh khó khăn trong việc thuyết phục người dân tham gia dự án, việc tìm kiếm điểm thực hiện dự án cũng không hề dễ dàng do đất nông nghiệp tại Tử Nê và Thanh Hối bị chia cắt và phân tán. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là sau khi hiểu rõ về mục đích của dự án, các bác nông dân đã rất nhiệt tình và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động.

Vào cuối tháng 2 năm 2012, cán bộ dự án đã lựa chọn được 2 nhóm nông dân (10 hộ ở xã Tử Nê và 18 hộ ở xã Thanh Hối) quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp và giảm thiểu tác hại của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người và môi trường để tham gia vào dự án. Ngoài các bác nông dân, 4 giáo viên của hai trường trung học cơ sở Tử Nê và Thanh Hối cùng với 3 em sinh viên của khoa Môi trường trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cùng tham gia vào khóa tập huấn.

Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 3 năm 2012, khóa tập huấn về Đa dạng sinh học trong nông nghiệp đã được thực hiện tại địa phương. Các học viên được cung cấp những kiến thức liên quan đến đa dạng sinh học trong nông nghiệp và được học cách lập kế hoạch hành động để bảo tồn loài được lựa chọn.

Sau khi kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Nhóm học viên rất mong muốn được làm điều tra thực tế tại vùng ruộng của mình để có thể xác định được loài nào đang cần được bảo vệ và đưa ra được kế hoạch bảo tồn.

(Linh Phạm dịch)