Đối thoại về chính sách quản trị rừng và thị trường các bon
Trung tuần tháng 12/2015 vừa qua, trong khuôn khổ dự án FLC 14-02 đang thực hiện tại 2 xã Hua Păng và Chiềng Hắc, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) đã tổ chức diễn đàn “Đđối thoại về chính sách quản trị rừng và thị trường cacbon” tại hội trường của UBND huyện Mộc Châu.
Buổi đối thoại có sự tham gia của ông Vũ Đức Thuận – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, ông Trương Hoa Bắc – PCT UBND huyện Mộc Châu, các phòng, ban chức năng huyện Mộc Châu, người đứng đầu hai xã Hua Păng và Chiềng Hắc và sự có mặt đầy đủ của đại diện người dân đang thực hiện dự án.
Nội dung đối thoại nhằm bàn về quản trị rừng tại Sơn La hiện nay, tầm quan trọng của quản trị rừng và vai trò của các tổ chức phi chính phủ và dân sự (NGO&CSO) đối với việc quản trị rừng tại Việt Nam hiện nay. Trong cuộc họp, vấn đề chính sách và tầm quan trọng của việc trồng cây phân tán trong việc bảo tồn đất và nước, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thu các bon, cải thiện môi trường và đặc biệt là trong nền kinh tế huyện Mộc Châu, Sơn La; và thị trường các bon và những khó khăn, trở ngại trong việc tiếp cận thị trường này cũng được đưa ra đối thoại một cách công khai và thẳng thắn.
Quản trị rừng được xem là một yếu tố quan trọng trong thành công của ngành lâm nghiệp và nó được xem là một tiến trình mang tính xã hội cao đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia không chỉ của chính quyền mà còn của nhiều bên ở các cấp khác nhau. Việc tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là của người dân sống phụ thuộc vào rừng, là vấn đề rất quan trọng giúp ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của NGO&CSO có vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp quản trị rừng tốt.
Cuộc đối thoại nêu lên các vai trò quan trọng của NGO/CSO nói chung và của CECAD nói riêng bao gồm:
- Làm cầu nối trong sự tham gia của người dân vào các quyết định liên quan của chính quyền các cấp.
- Giúp cải thiện cơ chế chia sẻ, tiếp cận thông tin giữa người dân, chính quyền và các bên liên quan.
- Hỗ trợ giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật có sự tham gia, và iv) Phát hiện, chỉ ra các vấn đề quan trọng và nguyên nhân của chúng, cũng như có phản hồi, hành động giúp giảm thiểu các vi phạm trong việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan đến quản trị rừng ở thực địa.
Thêm vào đó, đối thoại cũng vạch ra những việc NGO/CSO phải làm để hoàn thành vai trò của mình như:
- Thực hiện các nghiên cứu dựa trên bằng chứng ở thực địa (evidence-based research) để phát hiện các kết quả, các vấn đề quan trọng cung cấp cho đối thoại chính sách;
- Xây dựng năng lực, nâng cao sự hiểu biết, đánh động tình cảm và thay đổi thái độ của cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan đối với các vấn đề, chính sách quản trị rừng.
- Liên minh, hợp tác để có tiếng nói và vị thế lớn hơn.
- Phát triển các mối quan hệ với các cộng đồng địa phương và hỗ trợ họ trong việc xây dựng hay củng cố các cộng đồng thống nhất vững mạnh để họ có thể trở thành một đối tác, một bên liên quan có vị thế đúng nghĩa.
- Phát triển, xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, thực thể thực thi luật pháp cũng như các bên liên quan khác để có thể thực thi tốt vai trò cầu nối của mình
Thị trường cacbon là thị trường buôn bán cacbon với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ đối thoại, những khó khăn trở ngại đối với thị trường cacbon hiện nay tại Việt Nam đã được đề cập đến. Các chuyên gia khẳng định dù nhu cầu đối với thị trường này tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, thị trường mua bán giảm phát thải khí nhà kính còn mới mẻ, nhận thức về CDM (Clean Development Machenism) của các nhà hoạch định chính sách và công chúng đều còn thấp, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp và nhiều tổ chức còn ít thông tin về thị trường này, thiếu các văn bản pháp quy và các cơ chế hành chính để quản lý và thực hiện CDM, nguồn lực chưa đáp ứng, thiếu nguồn tài chính và thị trường vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dự án giảm khí thải cacbon. Do đó, việc cung cấp thông tin cũng như cách tiệp cân đối với thị trường này đến với người dân là vô cùng cần thiết. Do đó, vai trò của các cấp chính quyền và các tổ chức môi trường trong việc tìm hiểu và cung cấp thông tin cho người dân mà cụ thể trong cuộc đối thoại là người dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Ngoài ra, buổi đối thoại đã truyển tải thông điệp bảo vệ rừng từ các em học sinh đến các bác lãnh đạo huyện Mộc Châu và các lãnh đạo tỉnh Sơn La thông qua các câu chuyện và tranh về rừng tại nơi các em sinh sống.
Kết thúc buổi đối thoại, các lãnh đọa huyện Mộc Châu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cũng đồng tình về hướng đi bảo vệ rừng và thị trường cacbon trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng cũng như tỉnh Sơn La nói chung.
Thực hiện: Tuấn Anh