Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long
Trang chủ/ Dự án/Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long
17/05/2025Large, threatened mammals such as great apes and forest elephants and other wildlife are better conserved in FSC-certified forests compared to non-certified.
Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai mà đang từng ngày làm khô cạn dòng nước, mặn chát ruộng đồng và đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân miền Tây, việc nâng cao nhận thức và hành động cộng đồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước thực trạng đó, từ năm 2020, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) đã phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam triển khai dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án được tài trợ bởi Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội thông qua Quỹ Hợp tác địa phương (FLC).
Sau ba giai đoạn thực hiện, dự án không chỉ giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo và hợp tác giữa các bên – từ thanh niên, học sinh, nhà báo đến chính quyền địa phương – cùng hành động vì một Đồng bằng sông Cửu Long vững vàng hơn trước biến đổi khí hậu.
1. Mục tiêu chung: Dự án hướng đến nâng cao năng lực truyền thông, tăng cường nhận thức và khả năng thích ứng của người dân – đặc biệt là thanh niên, học sinh và các nhóm dễ bị tổn thương – trước những tác động của biến đổi khí hậu, tập trung vào hiện tượng xâm nhập mặn.
2. Các giai đoạn chính của dự án:
Giai đoạn I (FLC 20-02, 2020–2022):
- Thí điểm tại tỉnh Tiền Giang, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn thời điểm 2020
- Xây dựng thí điểm hệ thống cảnh báo sớm xâm nhập mặn tự động, cung cấp thông tin kịp thời tới người dân
- Thực hiện các chương trình truyền thông sáng tạo, bao gồm phim tài liệu, chương trình Talkshow, Fanpage, tin nhắn qua Zalo, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng
- Tổ chức giải chạy truyền thông về hạn mặn và cuộc thi thanh niên về tri thức bản địa, khuyến khích các sáng kiến ứng phó từ cộng đồng
Giai đoạn II (FLC 22-02, 2022–2023):
- Mở rộng phạm vi sang 5 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng
- Tổ chức các hoạt động sáng tạo hướng đến giới trẻ, như: giải chạy truyền thông, tranh biện cho học sinh THPT, các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo
- Tăng cường năng lực cho phóng viên, cán bộ truyền thông địa phương về kỹ năng đưa tin và lập kế hoạch truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu
- Phát sóng talkshow trên truyền hình quốc gia, lan tỏa thông điệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Giai đoạn III (FLC 23-02, 2024–2025 – đang triển khai):
- Mở rộng phạm vi dự án với trọng tâm tại Cần Thơ và Đồng Tháp
- Tiếp tục tổ chức các hoạt động sáng tạo hướng đến giới trẻ, như: giải chạy truyền thông, tranh biện cho học sinh THPT, các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo tại 2 tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp
- Tập huấn xây dựng kế hoạch truyền thông cho Đoàn Thanh niên tại các tỉnh từng tham gia giai đoạn trước, thúc đẩy vai trò của thanh niên như những “đại sứ khí hậu”
- Tổ chức hội thảo với sự tham gia của 13 tỉnh ĐBSCL, kết nối thanh niên, nhà hoạch định chính sách và truyền thông để "đồng thiết kế" các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu
3. Các hoạt động nổi bật
- Phát triển và triển khai các chiến dịch truyền thông đa dạng: Phim tài liệu, talkshow phát sóng trên VTV và đài địa phương; Tập huấn kỹ năng viết báo cho phóng viên, blogger và cán bộ truyền thông.
- Tổ chức các sự kiện cộng đồng quy mô lớn: các cuộc thi chạy truyền thông tại 7 tỉnh – thu hút gần 3.000 thanh niên tham gia; Các cuộc thi tranh biện cấp tỉnh dành cho học sinh trung học về chủ đề biến đổi khí hậu.
- Ứng dụng công nghệ: Áp dụng hệ thống cảnh báo sớm và công nghệ cập nhật thông tin cảnh báo nhanh chóng và kịp thời cho cộng đồng địa phương nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai
- Khuyến khích sáng kiến cộng đồng: Khuyến khích các sáng kiến và giải pháp mang tính cộng đồng trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai
Dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” không chỉ là một sáng kiến truyền thông mà còn là một mô hình huy động cộng đồng – đặc biệt là thanh niên – tham gia vào tiến trình thích ứng khí hậu. Với sự đồng hành của Đại sứ quán Phần Lan và các đối tác địa phương, dự án đang góp phần hình thành một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và có trách nhiệm với tương lai bền vững của ĐBSCL.
Thông tin chi tiết và cập nhật mới nhất về các hoạt động của dự án được đăng tải thường xuyên trên website và trang Facebook chính thức của CECAD. Mời bạn theo dõi để cùng đồng hành và lan tỏa những hành động thiết thực vì tương lai phát triển bền vững.