Từ năm 2020 đến 2022, CECAD đã triển khai dự án “Tăng cường Năng lực Truyền thông để Tăng cường Khả năng Chống chịu với Biến đổi Khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (CCBCR)” – Giai đoạn 1, được tài trợ bởi Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.
Dự án nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua chương trình truyền thông hiệu q uả để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được mục tiêu của dự án, các hoạt động, chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề xâm nhập mặn nghiêm trọng và thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các hoạt động thí điểm về mô hình ứng phó với xâm nhập mặn đã được thực hiện tại Tiền Giang, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn, nhằm phát triển hệ thống giám sát xâm nhập mặn và nâng cao mạng lưới cảnh báo sớm và dự báo cho quản lý thông tin; cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương chủ động thu thập và trữ nước cho sinh hoạt và sản xuất, đảm bảo an ninh nguồn nước trong khu vực.
Các nhóm đối tượng mục tiêu là người dân địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các hộ nghèo ở các khu vực cách xa các khu dân cư tập trung, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất tại tỉnh Tiền Giang. Những người thụ hưởng gián tiếp của dự án bao gồm các chính quyền địa phương ở cấp huyện và tỉnh, các tổ chức xã hội dân sự, chính quyền huyện và tỉnh, Trung tâm Khí tượng Thủy văn, các Chi cục Thủy lợi và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các sở ban ngành khác tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Các tỉnh này bao gồm Long An, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. CECAD đã hợp tác với các tổ chức chuyên môn và có liên quan để thực hiện các hoạt động của dự án. Các tổ chức hợp tác bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh; Chi cục Thủy lợi, Sở Khí tượng Thủy văn tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, các Đoàn Thanh niên địa phương, Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban Nhân dân các xã, cộng đồng địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực an ninh nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, các báo địa phương, đài truyền hình quốc gia (VTV1, VTV2, VTV6, VTC, HTC) và Đại sứ quán Phần Lan.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2022 đến 2023, CECAD tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án CCBCR. Để tiếp tục cam kết với sứ mệnh giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn hai của dự án tập trung vào các can thiệp tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Một trong những hoạt động chính của dự án là thực hiện chuỗi các hoạt động truyền thông, bao gồm tổ chức các cuộc thi chạy và cuộc thi tranh biện tại 5 tỉnh. Các cuộc thi chạy và tranh biện đã thu hút được đông đảo thanh niên, sinh viên đại học, học sinh trung học tham gia và giúp nâng cao nhận thức của họ về hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu. Hơn nữa, dự án đã tổ chức các cuộc thi về việc thúc đẩy kiến thức bản địa để tăng cường khả năng chống chịu với xâm nhập mặn tại 5 tỉnh, giúp nâng cao năng lực của thanh niên trong việc viết đề xuất, thuyết trình và hình thành các sáng kiến. Chuỗi sự kiện này đã góp phần giúp thanh niên ở Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp ý kiến của mình vào nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hạn hán. Hơn nữa, dự án đã hỗ trợ nâng cao kỹ năng của các nhà báo chuyên nghiệp và cán bộ truyền thông trong các cơ quan chính quyền địa phương trong việc xây dựng các chiến lược truyền thông hiệu quả. Thông qua các khóa tập huấn, các kế hoạch truyền thông toàn diện về xâm nhập mặn và hạn hán đã được xây dựng cho đài truyền hình địa phương, báo chí và các cơ quan chính quyền địa phương. Tin tức, bài viết và bản tin có nội dung chuyên sâu về hạn hán và xâm nhập mặn đã được đăng tải trên các đài truyền hình, báo địa phương, và các trang web của các cơ quan. Không những vật, một chương trình tọa đàm về hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của đại diện Đoàn Thanh niên Tỉnh Tiền Giang, Đoàn Thanh niên Đại học Trà Vinh và đại diện của CECAD đã được sản xuất và phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Dự án “Plant for the planet - Trồng cây xanh vì hành tinh xanh” năm 2018 - 2019 dưới sự tài trợ của Tập đoàn SK Innovation hợp tác cùng với tổ chức UNEP Hàn Quốc đã được CECAD thực hiện tại các huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với mục đích đóng góp vào việc tái tạo rừng và quản trị rừng nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể của dự án gồm xây dựng và củng cố hệ sinh thái rừng ngập mặn để thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh cộng đồng trước các thảm họa của tự nhiên; tạo các cơ hội nghề nghiệp và cải thiện thu nhập, tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống thông qua trồng rừng ngập mặn; nâng cao nhận thức môi trường và trao quyền cho cộng đồng thông qua chương trình giáo dục môi trường cho người dân địa phương, trẻ em và thanh niên.
Với các mục tiêu trên, dự án đã đạt được một số kết quả như phủ xanh rừng ngập mặn trên diện tích 7 ha dọc bờ biển xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cũng như tăng mật độ của cây bần chua (Sonneratia caseolaris) nhằm giảm xói mòn. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của các cộng đồng phụ thuộc vào rừng ngập mặn và hệ sinh thái lân cận cũng được cải thiện, và cộng đồng địa phương, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, đã nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn và tác động của biến đổi khí hậu. Các hoạt động trồng rừng được thực hiện tại xã Đông Hải trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11. Tổng cộng khoảng 30 ha rừng ngập mặn được trồng với sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Trà Vinh và chính quyền địa phương. Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Đồng bằng sông Hồng, 01 ha rừng ngập mặn cũng được trồng với sự hỗ trợ của SK Innovation và UNEP Hàn Quốc. Sự kiện đã diễn ra một cách thành công và là biểu tượng của sự hợp tác thành công giữa CECAD và Vườn quốc gia Xuân Thủy. Chiến dịch môi trường toàn cầu có tên “Tôi xanh, chúng ta xanh – I green, we green” cũng được giới thiệu tới các đại biểu tham gia sự kiện tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ngoài ra, các hoạt động giáo dục môi trường cũng được thực hiện để nâng cao nhận thức của học sinh và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của rừng ngập mặn cũng như các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Đại học Trà Vinh, một Câu lạc bộ Môi trường đã được thành lập và 3 khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên câu lạc bộ về giá trị đa dạng sinh học và kinh tế của rừng ngập mặn đã được thực hiện cho tổng số 300 sinh viên. Tại xã Đông Hải và Mỹ Long Nam, các hoạt động giáo dục môi trường tương tự cũng được thực hiện ở các trường tiểu học. Học sinh và giáo viên đã ủng hộ nhiệt tình các hoạt động giáo dục môi trường và tích cực tham gia vào các sự kiện này. Hai cuộc thi sáng tạo khẩu hiệu về bảo vệ rừng ngập mặn cũng đã được tổ chức nhằm thu hút các học sinh tiểu học tham gia vào chiến dịch bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Các cộng đồng địa phương cũng được tập huấn về các tác động do biến đổi khí hậu và cách rừng ngập mặn có thể giúp các cộng đồng địa phương thích ứng tốt hơn. Các cán bộ kiểm lâm và các thành viên của các tổ bảo vệ rừng ở hai Đông Hải và Mỹ Long Nam cũng được tập huấn các khóa tương tự nhằm giúp họ 1) hiểu rõ hơn về vai trò của rừng ngập mặn và tầm quan trọng của môi trường, kinh tế và xã hội; 2) các mối đe dọa và áp lực đối với rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; và 3) giải pháp quản lý rừng ngập mặn bền vững tại địa phương. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, tất cả những người tham gia sẽ trở thành Đại sứ bảo tồn rừng ngập mặn, và như vậy họ sẽ có những đóng góp to lớn cho việc quản lý rừng ngập mặn bền vững không chỉ ở Trà Vinh, mà còn cho cả rừng ngập mặn trên phạm vi cả nước.
Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa đáng kể để vấn đề giảm nghèo và cải thiện tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam hiện đang có hiểu biết chưa đầy đủ về các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và điều này được minh chứng thông qua việc hoạch định chính sách xã hội và ra quyết định cá nhân về các chiến lược thích ứng thay thế trong các cộng đồng tái định cư thủy điện ở Tây Nguyên. Nâng cao sự hiểu biết về các quá trình này sẽ cung cấp thông tin cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và người dân về các nguyên nhân cơ bản của tính dễ bị tổn thương và các lựa chọn để giảm thiểu tổn thương. Rủi ro có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau và không thể đo đếm được nếu không gắn liền với ý thức và văn hóa của con người. Kết quả nghiên cứu của dự án “Rủi ro khí hậu và nông nghiệp tại các cộng đồng tái định cư thủy điện ở miền Trung Việt Nam” năm 2016 cho thấy các nỗ lực thích ứng cần được thiết lập dựa trên sự hiểu biết rộng rãi về cách các bên liên quan nhận thức, giải thích và ưu tiên cho các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Việc hoạch định chính sách có hiểu biết và có trách nhiệm được rút ra từ một phân tích về cả tác động vật lý của các mối đe dọa khí hậu và các cơ chế tâm lý xã hội tiềm ẩn rủi ro và tác động của chúng đối với việc ra quyết định.
© 2024 CECAD
Hãy đồng hành cùng chúng tôi qua những câu chuyện trên con đường bảo vệ và gìn giữ thế giới tự nhiên của Việt Nam, vì một tương lai nơi con người và muôn loài hoang dã cùng nhau phát triển.