Quản trị rừng bền vững giúp duy trì sự cân bằng sinh thái bằng cách bảo vệ các hệ sinh thái rừng, giữ chất lượng đất, và điều hòa nguồn nước, đồng thời giảm thiểu các hiện tượng xói mòn và lũ lụt.
Rừng còn hoạt động như những "bể chứa carbon" tự nhiên, giúp hấp thụ khí carbon dioxide và điều hòa khí hậu toàn cầu, do đó, quản trị rừng bền vững là công cụ quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, quản trị này cũng góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học bằng cách bảo vệ các loài động, thực vật và sinh vật khác trong rừng, đồng thời cung cấp tài nguyên quan trọng như gỗ, thực phẩm và thuốc thảo dược, đảm bảo các nguồn tài nguyên này được khai thác có trách nhiệm và có thể tái tạo. Quản trị rừng bền vững còn giúp tăng cường khả năng chống chịu của rừng trước các mối đe dọa như cháy rừng, dịch bệnh và xâm lấn của các loài ngoại lai. Cuối cùng, rừng cung cấp không gian cho các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và giải trí, vì vậy quản trị bền vững đảm bảo rằng các giá trị này được bảo tồn và duy trì. Để đạt được các mục tiêu này, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác.
Từ năm 2005 đến 2007, CECAD thực hiện dự án nghiên cứu "Lâm nghiệp cộng đồng và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam" nhằm tìm hiểu đóng góp của lâm nghiệp cộng đồng bền vững vào giảm nghèo. Nghiên cứu này là tiền đề của dự án "Cải thiện quản trị rừng nhằm đảm bảo tính bền vững của khí hậu tại hai xã dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La" (FLC 14-02) thực hiện giai đoạn 2014 – 2016 được tài trợ bởi Đại sứ Quán Phần Lan tại Việt Nam, nhằm góp phần quản lý và sử dụng tài nguyên rừng bền vững thông qua cải thiện quản trị rừng cho sự bền vững khí hậu. Trong khuôn khổ của dự án, CECAD đã thực hiện khảo sát về hiện trạng rừng tự nhiên ở huyện Mộc Châu nhằm tìm ra các tác nhân thúc đẩy hoặc hạn chế quản trị rừng ở địa phương. Dựa trên kết quả khảo sát, các bộ tài liệu được dùng làm tài liệu tập huấn cho các lớp tập huấn TOT cấp tỉnh đã được xây dựng. Việc tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ các sở, ban, ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (DARD), Sở Tài nguyên Môi trường (DONRE), Sở Kế hoạch và Đầu tư (DPI) và Sở Xây dựng (DOC) cũng như Hội Phụ nữ tỉnh. Người tham gia các khóa tập huấn này đã tiếp tục chia sẻ kiến thức với các bên liên quan khác ở cấp huyện và xã, góp phần quản lý và bảo vệ rừng bền vững ở cấp địa phương.
Dự án đã hỗ trợ người dân trong khu vực dự án phát triển hai mô hình hấp thụ carbon thông qua việc áp dụng mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp. Bên cạnh đó, mô hình trồng các loài cây bản địa và mô hình nuôi lợn đã được phát triển. Mô hình trồng cây bao gồm tếch, xoan, và cây ăn quả như nhãn, xoài, chanh, bơ, bưởi, mít và mận đã được trồng thay thế trên các nương ngô. Mô hình này đã giúp giảm diện tích trồng ngô, từ đó lượng thuốc diệt cỏ và các hóa chất độc hại khác dùng cho các loại cây trồng trên rẫy cũng giảm theo. Hai mô hình này đã được phát triển tốt và đóng góp tích cực cho kinh tế hộ gia đình tại hai xã vùng dự án. Các cán bộ dự án CECAD thường xuyên tư vấn cho người dân tham gia vào các mô hình thí điểm, qua đó mối quan hệ giữa quản trị rừng và các mô hình bảo tồn nông nghiệp và nông-lâm nghiệp được hiểu tốt hơn, góp phần cải thiện quản trị rừng và tăng tính chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự án “Quản lý rừng ngập mặn bền vững thông qua thực hiện nuôi tôm có chứng chỉ tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” 2017 - 2018 được tài trợ bởi Trung tâm Eco-Peace nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng ven biển ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đồng bằng sông Hồng về tác động của việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm thương mại đối với dịch vụ hệ sinh thái và lợi ích của người dân nơi đây. Thông qua việc nâng cao nhận thức và mối quan tâm của người dân, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người dân nuôi tôm huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hình thức nuôi tôm sạch có chứng nhận nhằm bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ lợi ích của cộng đồng địa phương một cách bền vững. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác động của việc suy thoái rừng ngập mặn và các vấn đề liên quan đến nuôi tôm thương phẩm; giới thiệu đến người nuôi tôm về các chứng nhận tôm hữu cơ, đóng góp của việc nuôi tôm có chứng chỉ đối với dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn và khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương thức nuôi tôm hữu cơ và quản lý rừng ngập mặn bền vững. Mô hình tại Thái Thuỵ được lựa chọn thực hiện thí điểm các hoạt động nuôi tôm bền vững và quản lý rừng ngập mặn bền vững để có thể áp dụng đối với các khu vực khác ở tỉnh Thái Bình và các vùng lân cận.
© 2024 CECAD
Hãy đồng hành cùng chúng tôi qua những câu chuyện trên con đường bảo vệ và gìn giữ thế giới tự nhiên của Việt Nam, vì một tương lai nơi con người và muôn loài hoang dã cùng nhau phát triển.