Bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái, hỗ trợ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.
Đa dạng sinh học không chỉ cung cấp nguồn lương thực, dược liệu và vật liệu thiết yếu cho con người mà còn giúp hệ sinh thái chống chịu tốt hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên. Hiểu rõ được tầm quan trọng này, CECAD đã triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sự cân bằng sinh thái và hỗ trợ các cộng đồng sống dựa vào thiên nhiên, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, CECAD là Đơn vị Cung cấp Dịch vụ (Service Provider) cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên (VQGHL) trong khuôn khổ “Chương trình tài trợ nhỏ về bảo tồn và quản lý bền vững các vườn di sản ASEAN, Pha II – Hợp phần Quốc gia Việt Nam” (Dự án SGP). Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) thông qua Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN (ACB), Ban Quản lý dự án Dự án tại Việt Nam (PMU) là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu chung của dự án SGP nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực ASEAN và góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Dự án tập trung vào 08 lĩnh vực chuyên đề, bao gồm: i) Quản lý Vườn Quốc gia, ii) Nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã, iii) Thực thi pháp luật, iv) Quản lý môi trường sống và loài, v) Tiếp cận cộng đồng và nhận thức về bảo tồn, vi) Phát triển cộng đồng, vii) Du lịch sinh thái và viii) Phát triển chính sách ngành. Hiện tại, CECAD đang hỗ trợ thực hiện 10 Dự án Nhỏ (Small Grant) và 10 Dự án Vi mô (Microgrant) thuộc các lĩnh vực chuyên đề trên. Địa bàn thực hiện các dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Sapa và 3 xã vùng đệm của VQGHL, bao gồm xã Hoàng Liên, xã Tả Van và xã Bản Hồ.
Các dự án đã hỗ trợ tăng cường đáng kể năng lực giám sát và đánh giá bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống AHP tại Việt Nam, đồng thời nâng cao hiểu biết về đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa của VQGHL. Những nỗ lực đã được thực hiện để tăng cường bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại VQGHL thông qua các phương pháp bảo tồn toàn diện, cùng với việc tăng cường năng lực của ban quản lý và cán bộ VQG trong bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái và phát triển sinh kế. Ngoài ra, các dự án cũng đã giúp cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương bằng việc phát triển và thúc đẩy các sản phẩm bản địa, tăng cường chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các hoạt động du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại VQGHL.
Dự án "Bảo tồn lan thông qua nghiên cứu và các biện pháp bảo tồn chuyển vị tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Việt Nam" năm 2015 – 2016 nhằm mục đích bảo tồn tốt hơn các loài phong lan đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Dự án bao gồm khảo sát thực địa, bảo tồn thông qua việc phát triển trồng hoa lan, và giáo dục môi trường. Trong giai đoạn đầu tiên, dự án tập trung thực hiện tại xã Tự Do, tại đó có khoảng 40 loài phong lan, nhiều loài trong số đó nằm trong danh sach bị đe dọa tuyệt chủng. CECAD đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thực vật (CPC) - một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, các cán bộ của khu bảo tồn, chính quyền địa phương xã Tự Do và huyện Lạc Sơn nhằm đánh giá khảo sát thực địa và đánh giá mối đe dọa. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn với người dân địa phương, đặc biệt là những người cao tuổi là người có kiến thức chuyên sâu về hoa lan trong khu vực, và chủ các homestay để có sự hiểu biết tốt hơn về nền kinh tế của các hộ gia đình cũng như số lượng và nhu cầu của khách du lịch khi đến địa điểm này. CECAD cũng đã thực hiện một chiến dịch truyền thông trong trường học và trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái đối với sự phát triển của cộng đồng.
Dự án "Thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và tăng thu nhập thông qua Canh tác hữu cơ cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số dân tộc Mường ở Tây Bắc Việt Nam" năm 2014 – 2015 bao gồm một chiến dịch cung cấp thông tin cho người nông dân và người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ và những đóng góp của loại hình nông nghiệp này vào việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong khuôn khổ dự án, bên cạnh việc khuyến khích người nông dân thay đổi tập quán canh tác bằng các phương pháp hữu cơ an toàn, CECAD còn cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nơi mua các sản phẩm hữu cơ này. Dự án góp phần kết nối các nhóm nông nghiệp hữu cơ với nhau để giám sát chất lượng sản phẩm và tăng số lượng rau an toàn trên thị trường. Chiến dịch đã khuyến khích được 30 hộ gia đình chuyển sang canh tác hữu cơ và thu hút được hơn 50 khách hàng thường xuyên sử dụng các sản phẩm hữu cơ.
© 2024 CECAD
Hãy đồng hành cùng chúng tôi qua những câu chuyện trên con đường bảo vệ và gìn giữ thế giới tự nhiên của Việt Nam, vì một tương lai nơi con người và muôn loài hoang dã cùng nhau phát triển.