[CCBO-VN003] LỄ KHỞI ĐỘNG VÀ KÝ KẾT THỎA THUẬN DỰ ÁN “THÚC ĐẨY QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN BỀN VỮNG DO CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN TẠI PHÚ QUỐC’

Trang chủ/Tin tức/ [CCBO-VN003] LỄ KHỞI ĐỘNG VÀ KÝ KẾT THỎA THUẬN DỰ ÁN “THÚC ĐẨY QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN BỀN VỮNG DO CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN TẠI PHÚ QUỐC’

22/08/2022

Dự án được tài trợ bởi Chương trình "Thành phố Sạch, Đại dương Xanh" (CCBO) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)

Ngày 22/8/2022, Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực cộng đồng (CECAD) phối hợp cùng UBND phường An Thới và UBND xã Gành Dầu tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác dự án ”Thúc đẩy quản lý chất thải rắn bền vững do cộng đồng thực hiện tại Phú Quốc” thuộc Chương trình “Thành phố sạch, Đại dương xanh” (CCBO) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án dự kiến được triển khai trong 24 tháng với hai giai đoạn chính, bao gồm: 

  • Giai đoạn 1: Đảm bảo quan hệ đối tác và thiết lập mô hình thí điểm quản lý chất thải rắn (QLCTR) do cộng đồng thực hiện
  • Giai đoạn 2: Thí điểm mô hình QLCTR  do cộng đồng thực hiện và tài liệu hóa bài học kinh nghiệm

Dự án có mục tiêu tăng cường hiểu biết và năng lực của chính quyền địa phương trong việc lập chương trình 3R/ QLCTR hiệu quả, xây dựng các chuỗi giá trị chất thải hiện có, và thúc đẩy nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với QLCTR. Dự án sẽ thiết kế và triển khai thí điểm mô hình QLCTR do cộng đồng thực hiện. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cộng đồng và chính quyền địa phương tham gia vào các thực hành 3R/ QLCTR bền vững. Bên cạnh đó, mô hình tái chế nhựa và hữu cơ do cộng đồng thực hiện sẽ được thí điểm lập tài liệu để sàng lọc và nhân rộng.

Sau khi ký kết Thỏa thuận hợp tác, CECAD cùng CCBO và các bên liên quan sẽ triển khai những hoạt động nghiên cứu trong Giai đoạn 1 của dự án, bao gồm: Nghiên cứu các chính sách QLCTR và việc thực thi của chính quyền ở Phú Quốc và xem xét các chương trình QLCTR cộng đồng thành công khác; Nghiên cứu đặc điểm chất thải (WACS) tại xã Gành Dầu, đánh giá WACS tại phường An Thới do WWF thực hiện; Nghiên cứu thị trường về chất hữu cơ, rác tái chế và nhựa có giá trị thấp trên đảo hoặc trên đất liền để xác định các lỗ hổng trong chuỗi giá trị và các lĩnh vực tăng cường; và Nghiên cứu đánh giá hành vi và nhận thức của cộng đồng, sự tham gia và quan tâm đến QLCTR.

Hà Nguyễn