HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG QUẢN LÝ RÁC NHỰA ĐẠI DƯƠNG

HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG QUẢN LÝ RÁC NHỰA ĐẠI DƯƠNG

Được sự hỗ trợ của Chương trình “Thành Phố Sạch, Đại Dương Xanh” (CCBO) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) đã tham gia Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý rác nhựa đại dương” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày 10/06/2022 nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Sự kiện do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) phối hợp với Chương trình CCBO tổ chức.

 

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ ngành liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ xây dựng, các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai và Kiên Giang, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong nước và quốc tế và các công ty tư nhân hiện đang tham gia đóng góp những nỗ lực của mình để giải quyết vấn đề rác nhựa đại dương tại Việt Nam.

 

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo

Việt Nam (VASI) phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối tác công tư trong chuỗi giá trị nhựa, xã hội hóa công tác quản lý, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu rác nhựa đại dương từ đất liền.

 

Thảo luận về vấn đề hợp tác công tư trong quản lý rác thải nhựa đại dương

 

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu từ các Bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, khối tư nhân đã chia sẻ các bài tham luận và thảo luận về chính sách, kinh nghiệm và các mô hình hợp tác công tư trong việc thu gom, tái chế rác nhựa, các thách thức và cơ hội trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác ngăn ngừa ô nhiễm rác nhựa đại dương góp phần thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg năm 2019 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

 

Đại diện cho khu vực tư nhân tham gia tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Vinacolor cho biết “Rác nhựa cần được coi là nguồn tài nguyên sẵn có, dồi dào và tiềm năng của ngành vật liệu trong tương lai thay vì loại bỏ bằng cách chôn lấp và đốt.”

 

Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), chia sẻ về mô hình hợp tác công tư trong thu gom và tái chế nhựa tại Bình Định thông qua xây dựng hệ thống Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) nhằm nâng cao chuỗi giá trị vật liệu tái chế, đồng thời hỗ trợ cho nhóm phi chinh thức cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập.

 

Ông Eric Desroberts, Giám đốc Kết nối Khu vực tư nhân, Chương trình CCBO Toàn cầu cho biết “Chương trình CCBO cam kết giải quyết các thách thức ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày một gia tăng thông qua hợp tác với các đối tác liên quan nhằm thực hiện các giải pháp phù hợp với địa phương. Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến các đại biểu từ các Bộ, ban, ngành, khối tư nhân và các tổ chức xã hội cùng tham gia hội thảo hưởng ứng kỉ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Thật truyền cảm hứng khi được nghe về những mối quan hệ đối tác chặt chẽ đã mang lại những kết quả đáng kể trong cải thiện sức khỏe của đại dương và cộng đồng và CCBO chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng các bên để tiếp tục tạo ra những tác động tích cực và bền vững”.

 

Thảo luận và trình bày về phương pháp tiếp cận và thống nhất về các bước áp dụng kết nối khu vực tư nhân đối với các tổ chức và chính quyền địa phương tại các thành phố nhằm cải thiện quản lý chất thải rắn (SWM) và thúc đẩy 3Rs