FLC-20-02: TẬP HUẤN LẬP KẾ HOẠCH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CẤP XÃ HẰNG NĂM CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN VÀ LỒNG GHÉP THÍCH ỨNG VỚI HẠN MẶN.

FLC-20-02: TẬP HUẤN LẬP KẾ HOẠCH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CẤP XÃ HẰNG NĂM CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN VÀ LỒNG GHÉP THÍCH ỨNG VỚI HẠN MẶN.

Nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và lồng ghép thích ứng với hạn mặn vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội (KHPT KT-XH) cấp xã hằng năm, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” (Dự án FLC), Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (viết tắt là CECAD) phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang thực hiện khóa tập huấn “Lập KHPT KT-XH cấp xã hằng năm lồng ghép thích ứng với hạn mặn” vào ngày 3/11/2021 tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông và vào ngày 7/8/2021 tại xã Kiêng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Tham gia khóa tập huấn có lãnh đạo UBND xã, đại diện các ban ngành, đoàn thể của xã, và đại diện các ấp của hai xã.

Hướng dẫn lập KHPT KT-XH cấp xã lồng ghép được xây dựng dựa trên các quy định và hướng dẫn của Luật phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều số 60/2020/QH14; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/04/2007 thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 6/6/2016 về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội.

Các tham dự viên tham gia tập huấn đã nắm được các nguyên tắc và phương pháp lập kế hoạch lồng ghép, bao gồm: Các bên liên quan tham gia đánh giá các tác động của hạn mặn và đưa kết quả đánh giá vào bản KHPT KT-XH hàng năm; Các chỉ tiêu thích ứng với hạn mặn được lồng ghép trong các chỉ tiêu kế hoạch của bản KHPT KT-XH; Các bên liên quan đề xuất các giải pháp ưu tiên nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng do hạn mặn gây ra; Các giải pháp trong các lĩnh vực khác của bản KHPT KT-XH được xem xét trên các tiêu chí trong đó có tiêu chí thích ứng với hạn mặn.

Với các hướng dẫn nêu trên, các thành viên tham gia đã thảo luận và thống nhất quy trình lập kế hoạch hằng năm, các bước trong kế hoạch cần lồng ghép các nội dung thích ứng với hạn mặn. Đồng thời, tại ấp, việc thu thập thông tin được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng, nhằm đảm bảo các đánh giá về các ảnh hưởng của hạn mặn và các đề xuất giải pháp thích ứng với hạn mặn có tỉnh khả thi và hiệu quả. Ngoài ra, việc đánh giá các ảnh hưởng của hạn mặn được xem xét cụ thể đối với các nhóm dễ bị tổn thương, như người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và người khuyết tật. Đây được xem là nội dung đổi mới trong quy trình lập KHPT KT-XH lồng ghép thích ứng hạn mặn so với các kế hoạch trước đây.

Áp dụng các kiến thức được cung cấp trong khóa tập huấn, các thành viên tham gia đã thảo luận và phát hiện ảnh hưởng của hạn mặn đến trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ảnh hưởng lớn nhất từ độ mặn tăng cao: i) thay đổi mùa vụ nuôi trồng thủy sản, làm phát sinh dịch bệnh đối với chăn nuôi; ii) các mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa đã bị ảnh hưởng bởi năng suất và thời gian canh tác; iii) đối với nước sinh hoạt, do hệ thống ống nước còn thiếu nên chưa tiếp cận đến các hộ ở vùng xa, việc đầu tư chăn nuôi với giá mua nước vào mùa hạn là 75.000 đồng/m3 làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Kết thúc khóa tập huấn, lãnh đạo UBND xã Phú Tân, UBND xã Kiểng Phước và đại diện các ấp thống nhất sẽ thực hiện thu thập thông tin tại ấp và các ban ngành, đoàn thể, phân tích và tổng hợp vào dự thảo kế hoạch. Việc lồng ghép thích ứng hạn mặn được thực hiện trong quá trình lập kế hoạch từ năm 2022. Với các cam kết nêu trên, hy vọng rằng quy trình lập KHPT KT-XH cấp xã hằng năm lồng ghép thích ứng hạn mặn sẽ có được các giải pháp đề xuất có tính khả thi, nguồn lực được sử dụng hiệu quả, từ đó giảm thiểu thấp nhất các ảnh hưởng từ hạn mặn cũng như phát hiện các phương án và mô hình sản xuất có hiệu quả tại xã trong thời gian tới.

Thực hiện: Anh Dũng