THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 02.07.2020

THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 02.07.2020

LỄ KÝ THỎA THUẬN TÀI TRỢ
Dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” (CCBCR)

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, thông qua Quỹ Hợp tác Địa phương (FLC) và Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) hỗ trợ để thực hiện dự án mang tên “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” (CCBCR).

Vào chiều thứ năm ngày 2 tháng 7 năm 2020, Lễ ký Thỏa thuận Tài trợ của dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được tổ chức với mục đích khởi động dự án.

Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Nam Việt Nam, có sản lượng nông nghiệp cao nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Khu vực này cũng là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam với mật độ dân số cao và nhu cầu cao về tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và việc sử dụng nước sông Mê Kông ngày càng tăng của các quốc gia thuộc khu vực thượng nguồn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, 80.000 hộ gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn khi bị thiếu nước ngọt và hàng ngàn hec-ta lúa và rau màu đã chết do nhiễm mặn. Trong số các tỉnh trong khu vực, Tiền Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ xâm nhập mặn. Nằm ở cửa sông Mê Kông, khu vực này bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thiếu tài nguyên nước, đặc biệt là các huyện thuộc phía đông của tỉnh như huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Điều này là do vị trí của các huyện nằm ở cuối nguồn nước ngọt và tiếp giáp với lưu vực mặn. Ngày 31/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 4444/QĐ-PPC công bố tình trạng cảnh báo xâm nhập mặn ở cấp cao nhất của tỉnh.

Dự án “Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” hỗ trợ các mục tiêu của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam và đặc biệt chú ý đến các vấn đề bền vững ở khu vực sông Mê Kông. Dự án nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết nhất và các vấn đề quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án nhằm cải thiện năng lực truyền thông của các cơ quan liên quan và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về xâm nhập mặn trong khu vực thông qua việc tham gia tích cực của họ trong các hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động của mô hình ứng phó với xâm nhập mặn sẽ được triển khai thí điểm tại tỉnh Tiền Giang, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất thông qua việc phát triển hệ thống quan trắc xâm nhập mặn và tăng cường mạng lưới cảnh báo và dự báo sớm phục vụ cho việc quản lý thông tin; cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương chủ động thu gom và lưu trữ nước cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất, từ đó giúp đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực. Bên cạnh đó, chương trình truyền thông toàn diện cũng sẽ được thực hiện để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề xâm nhập mặn thông qua sự tham gia tích cực của họ trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhóm đối tượng mà dự án hướng tới sẽ là dân cư địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa với các khu có mật độ dân số cao, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Những người thụ hưởng gián tiếp của dự án sẽ bao gồm chính quyền địa phương ở cấp huyện và tỉnh, các tổ chức xã hội dân sự, Trung tâm Khí tượng Thủy văn, Chi cục Thủy lợi và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở ban ngành liên quan khác trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Các kết quả sau đây dự kiến sẽ đạt được khi dự án kết thúc:
Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông toàn diện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề xâm nhập mặn thông qua sự tham gia tích cực của họ trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển và lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm về xâm nhập mặn thí điểm tại tỉnh Tiền Giang.
Xây dựng và triển khai mô hình chủ động về nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho cộng đồng địa phương trong bối cảnh xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. 

Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) thực hiện nghiên cứu thông qua việc phát triển và thực hiện các dự án để hỗ trợ phát triển xã hội với mục tiêu chung là giảm đói nghèo. Chúng tôi cũng cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật cho dân cư và các tổ chức để phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chúng tôi còn giải quyết các vấn đề và hướng tới mục tiêu chung thông qua các sáng kiến đào tạo và giáo dục, đồng thời phối hợp các tổ chức trong và ngoài Việt Nam.

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tạo điều kiện cho nhiều sáng kiến liên quan đến môi trường, chất lượng không khí, thủy sản, vệ sinh, chất lượng nước, lâm nghiệp và minh bạch trong quản trị. Phần Lan đã hỗ trợ Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến, dự án phát triển khác nhau trong hơn 40 năm qua. Năm 2014, Đại sứ quán cũng đã hỗ trợ CECAD thực hiện thành công dự án mang tên “Nâng cao năng lực quản trị rừng vì sự bền vững khí hậu” ở hai vùng dân tộc thiểu số nghèo thuộc tỉnh Sơn La.

Vui lòng liên hệ để biết thêm thông tin:

Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD), Bà Lê Thị Vân Huệ, Phó Giám đốc trung tâm qua: email hue.le@cecad.org.vn hoặc số điện thoại 0969254646.
Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD), Bà Trần Thị Lan Anh, qua: email anh.tran@cecad.org.vn hoặc số điện thoại 0948532219.
Đại sứ quán Phần Lan, Ông Matti Tervo, Tư vấn viên qua email: matti.tervo@formin.fi hoặc số điện thoại 0904585501.
Đại sứ quán Phần Lan, Bà Lê Thị Thu Hường, Cố vấn đặc biệt qua email: huong.lethithu@formin.fi hoặc số điện thoại 0913270428.