Bảo vệ sức khỏe nông dân nữ thông qua các mô hình nông nghiệp hữu cơ và hệ thống bảo lãnh có sự tham gia (PGS)

Bảo vệ sức khỏe nông dân nữ thông qua các mô hình nông nghiệp hữu cơ và hệ thống bảo lãnh có sự tham gia (PGS)

Nằm trong khuôn khổ dự án “ Cải thiện đời sống và Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ Việt Nam” – Vietnam WILL project, ngày 30 tháng 9 năm 2016, hội thảo “Bảo vệ sức khỏe phụ nữ nông dân qua mô hình nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia” đã được tổ chức tại trung tâm hội nghị Hòa Bình. Hội thảo được tổ chức bởi trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) dưới sự tài trợ của tổ chức Kenan.

Hội thảo có sự tham gia của các đại diện đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, các chuyên gia và nông dân sản xuất hữu cơ.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đưa ra những thách thức trong việc  áp dụng mô hình hữu cơ và hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, song song với đó là khung pháp lý và quy trình kĩ thuật của mô hình hữu cơ nông nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, đưa ra định hướng về các giải pháp để đưa mô hình hữu cơ và PGS vào áp dụng thực tế tại Hòa Bình.

Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã trình bày các nội dung: mối nguy hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với phụ nữ và trẻ em gái, những yêu cầu về pháp lý của các cơ sở chăn nuôi và sơ chế thực phẩm đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh; Hệ thống đảm bảo có sự tham gia PGS trong sản xuất hữu cơ tại Việt Nam; Quy trình kỹ thuật và những tiêu chuẩn đầu vào trong sản xuất hữu cơ tại Liên nhóm Hữu cơ Lương Sơn; Những khó khăn trong việc duy trì và phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Tân Lạc và cuối cùng là thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp giúp tiêu chuẩn PGS được chấp nhận bởi các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Hòa Bình.

Hội thảo đã diễn ra tốt đẹp, mang lại cho người nông dân huyện Tân Lạc những hiểu biết về quy trình cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, người nông dân sản xuất rau hữu cơ Tân Lạc theo tiêu chuẩn PGS có cơ sở điều chỉnh và kết hợp sản xuất để họ vừa có thể nhận được chứng nhận PGS, vừa có thể xin chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Kết quả là, trồng rau hữu cơ ở huyện được phát triển, đem lại lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái mà đa số họ là những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất các loại rau bán trên thị trường.

Thực hiện: Tuấn Anh